Xem xét nhiều quyết định quan trọng chuẩn bị cho Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII

Thứ bảy, 03/11/2018 16:52
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 17 khóa VI diễn ra ngày 3/11, tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023. Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.

 

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Diễn ra trong 2 ngày (3-4/11), các đại biểu sẽ cho ý kiến vào các nội dung: Công tác nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018- 2023; Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018- 2023; Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm Dạy nghề vầ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh (nay là Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh) theo Quyết định 637-QĐ/TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bàn giải pháp để quản lý và khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng.

Đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có nhiệm vụ khẩn trương hoàn tất các công việc cần thiết cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Vì vậy, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phát huy trí tuệ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc 6 nội dung đã được thông qua trong chương trình Hội nghị, bảo đảm trong nhiệm kỳ tới, công tác Hội và phong trào nông dân tiếp tục tạo ra những đột phá mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và hoàn thiện các Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 17. 

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình kết quả chỉ đạo đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh theo Quyết định 63-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ do đại diện Hội Nông dân trình bày cho biết: Tính đến tháng 9/2018 đã có 55/63 tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng, 35/55 Trung tâm đã được nâng cấp vốn để đầu tư xây dựng (25 Trung tâm được xây dựng mới và 10 Trung tâm được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, 20/35 Trung tâm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 15 Trung tâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng).

Sau hơn 7 năm thực hiện Quyết định của Chính phủ, đến nay việc đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh cũng như hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân cũng đã đạt được kết quả bước đầu. Cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy Trung tâm dần dần được kiện toàn và đi vào hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, cũng như các dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua các hoạt động, các cấp Hội đã thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt trong đào tạo nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân. Mỗi năm có trên 200 nghìn nông dân được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề; 3,5 triệu lượt hội viên được hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về giống, vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Thông qua hoạt động của các Trung tâm đã tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia và gắn bó hơn với  tổ chức Hội; đồng thời góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; vai trò vị thế của Hội ngày càng được nâng cao, là cầu nối quan trọng giữa nông dân với Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, sau 7 năm triển khai Quyết định 63 đã cho thấy việc thực hiện xây dựng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân là phù hợp, giúp lao động nông thôn có việc làm, cải thiện cuộc sống. Vì thế, cần tiếp tục duy trì và linh hoạt chuyển đổi hình thức, nội dung đào tạo nghề, phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương, từng giai đoạn và từng đối tượng.

Trong những năm tới, các cấp Hội Nông dân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Trung tâm Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh bám sát nhiệm vụ chính trị, phấn đấu mỗi năm đào tạo được trên 200.000 người được đào tạo nghề; tỷ lệ nông dân sau đào tạo có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt trên 90%...

Hội nghị tiếp tục làm việc đến ngày 4/11./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực