Tránh sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 23/06/2017 18:43
(ĐCSVN) – Đó là yêu cầu của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý II/2017 diễn ra sáng 23/6 tại Hà Đông.


Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trình bày và thảo luận về các nội dung: Quán triệt thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2017, thực trạng và giải pháp thực  hiện; Ban Chỉ đạo 197 Thành phố báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận

Trong 3 nội dung nêu trên, nội dung công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội được các đại biểu quan tâm nhiều nhất. Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, rõ nét sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016. Tổng số thửa đất cần cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai toàn thành phố là 1.551.951 thửa. Tính đến ngày 1/6/2017, thành phố đã thực hiện cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai lần đầu là 1.497.972 thửa, đạt 96,52%. Thành phố quyết tâm đến ngày 30/6/2017 sẽ cấp giấy chứng nhận được 1.320.206/1.355.510 thửa (đã kê khai, đủ điều kiện), đạt 97,4%; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu được 196.441/196.441 thửa, đạt 100%.

Cũng tính đến ngày 1/6/2017, toàn thành phố đã cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở được 149.012/178.278 căn hộ, đạt 83,58%, còn lại 29.266 căn hộ đang được tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận. Ước tính đến ngày 30/6/2017, số giấy chứng nhận sở hữu nhà được cấp sẽ tăng lên đạt 84,14%. Thành phố cũng đã cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư được 11.380/14.027 căn hộ, đạt 81,13%. Đạt kết quả cao nhất là cấp giấy chứng đất sau dồn điền đổi thửa cho hộ gia đình, cá nhân. Đến ngày 1/6/2017, toàn thành phố đã cấp được 611.210/625.257 trường hợp, đạt 98%. Ngoài ra, thành phố cũng đã cấp giấy chứng nhận được 73,02% thửa đất cho các tổ chức; cấp giấy chứng nhận 360 thửa đất cho cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo các đại biểu, kết quả nêu trên phản ánh quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu của các cấp, các ngành, sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của UBND thành phố và các ngành, sự cố gắng của các quận, huyện, thị xã và sự đồng thuận của nhân dân thời gian qua.

Mặc dù kết quả cấp giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ cao và đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận cho một số loại đất còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhiều quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký, kê khai của người dân. Việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình sau dồn điền đổi thửa chưa dứt điểm.

Có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến những bất cập nêu trên. Trong đó, về cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, có các nguyên nhân như: nhiều trường hợp người sử dụng đất không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính, không muốn ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận; cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của thành phố chưa hoàn thiện, nhiều nơi chưa có bản đồ; một số bản đồ chưa được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, ảnh hưởng đến kê khai, cấp giấy chứng nhận; nhiều trường hợp sử dụng đất trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chưa có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, nhưng có vi phạm Pháp luật đất đai...

Tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được thành lập; chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm đối với các quận, huyện, thị xã trong việc cấp giấy chứng nhận; rà soát đề án vị trí việc làm của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai để bố trí biên chế, bảo đảm trong việc kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động theo quy định; công khai các dự án có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; rà soát, sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế của thành phố…

Một vấn đề nữa được các đại biểu tập trung thảo luận là công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố. Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị đã có nhiều chuyển biến rõ nét; nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân đã thay đổi; việc gìn giữ trật tự đô thị, văn minh đô thị đã dần đi vào nền nếp, đặc biệt là trong việc lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ… Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; tình trạng bán hàng rong chưa được giải quyết; hoạt động trông giữ xe, vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường chưa xử lý triệt để, một bộ phận người dân có nhà mặt phố chưa thông cảm, hợp tác với việc gìn giữ vệ sinh, văn minh đô thị, thậm chí có hành vi chống đối, điển hình là vụ hành hung một nữ công nhân môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm... Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tránh tin trạng “đầu voi đuôi chuột”

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện chưa phát biểu tại hội nghị giao ban hôm nay, cần gửi ý kiến thảo luận về thành phố để tổng hợp. Trên cơ sở đó, thành phố nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực tế để kịp thời đưa ra giải pháp, biện pháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh:TH)

Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang ở mức độ báo động, cấp bách. Do đó, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác này. Từ thực tế đó đòi hỏi các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần phải có chiến lược, giải pháp đồng bộ, kiên quyết, quyết liệt trong triển khai thực hiện thì mới đạt được mục tiêu đề ra. Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào bảo vệ tầng nước mặt; tiếp tục quản lý tốt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xả thải.  “Nếu chúng ta không quyết liệt thì mục tiêu nhỏ cũng không thể làm được. Thời gian tới, các cấp, các ngành của thành phố cần phân công rõ trách nhiệm, tránh sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và mỗi người dân chung tay thì vấn đề bảo vệ môi trường sẽ tốt lên” – đồng chí Hoàng trung Hải nêu rõ.

Đề cập đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, qua 10 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, thành phố đã đạt được những kết quả tốt. Tuy vậy, trên thực tế ở nơi này, nơi kia vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, vẫn còn tiếng kêu ca phàn nàn của nhân dân. Do đó, thời gian tới, các sở, ngành cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ. “Những tiếng phàn nàn của dân dù nhỏ nhưng chúng ta phải lắng nghe, phải thấu hiểu, phải giải quyết” – Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, thời gian qua, công tác này trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực, tuy vậy, tồn tại vẫn thấy rõ. Việc thực hiện bảo đảm “đường thông, hè thoáng” vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là cấp xã, phường dẫn đến tình trang tái lấn chiếm. Những việc như thế này không thể chấp nhận được. Do đó, các cấp, các ngành phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, tình trạng này chưa giảm. Điều này đồng nghĩa với việc xử lý chưa nghiêm. Do đó, Bí thư yêu cầu Công an thành phố cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đang tồn tại mà đã có kết luận của thanh tra. Mặt khác, các cấp, các ngành thành phố cần tăng cường quản lý, không được lơ là, buông lỏng; cần lên kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tồn tại, không để phát sinh thêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn…./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực