Trách nhiệm của người đứng đầu nhìn từ một số vụ việc

Thứ bảy, 23/09/2017 16:48
(ĐCSVN) – Cùng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên, người đứng đầu một cơ quan, đơn vị còn có trách nhiệm cao hơn về quản lý; về nêu gương; về sử dụng, tuyển dụng cán bộ, trách nhiệm trước pháp luật…

Kết luận kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và quyết định kỷ luật 2 cán bộ của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong những ngày gần đây tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ trong toàn Đảng, toàn dân ta. Qua đó cho thấy tính nghiêm minh trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên.

Những cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị kỷ luật trong thời gian qua cho thấy tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh. Đó cũng là nguyên tắc đầu tiên trong công tác kỷ luật đảng viên của Đảng ta.

Điều đó cũng cho thấy "nể nang", "né tránh" vốn là những cụm từ tồn tại lâu nay trong công tác đánh giá, nhận xét, kỷ luật cán bộ có lẽ giờ đây sẽ ít được nhắc đến hơn, thay vào đó là những cụm từ “quyết tâm”, “không khoan nhượng”, “không dung túng”.

Điều đáng quan tâm, đó là những đảng viên bị kỷ luật trong thời gian gần đây đều là những đồng chí có chức vụ lãnh đạo, có đồng chí là lãnh đạo cấp cao của Đảng ta – những người lẽ ra phải nắm rất vững những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng nhưng lại chính là người đã vi phạm nguyên tắc của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Vi phạm nguyên tắc cơ bản của Đảng về tập trung dân chủ của các đồng chí lãnh đạo dẫn tới áp đặt, độc đoán, chuyên quyền và kéo theo hàng loạt các vi phạm, sai phạm khác. Trong Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trường hợp đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nêu rõ: “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy”. Có 4 lỗi vi phạm của đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được chỉ ra cho thấy có ít nhất 2 lỗi của người đứng đầu đó là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và lỗi về không gương mẫu.

Tương tự, các trường hợp khác bị Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ luật cũng đã vi phạm những lỗi như: “Với trách nhiệm là người đứng đầu, đồng chí đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao” khi nói về trường hợp đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Anh Dũng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của Tập đoàn, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Những lỗi được chỉ ra trong các vi phạm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong thời gian qua chung quanh công tác quản lý lãnh đạo, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát khi để cấp dưới vi phạm đến mức bị kỷ luật và sai phạm phải xử lý hay trong việc kê khai tài sản, bằng cấp không trung thực gây bức xúc dư luận nhân dân. Tình trạng cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền lực để trục lợi cho bản thân khi hình thành “sân sau”, “lợi ích nhóm” cũng được các đại biểu Quốc hội đề cập đến nhiều lần trên nghị trường và bên lề các kỳ họp cho thấy “đâu đó” vẫn còn đang tồn tại. Những hình thức “tham nhũng quyền lực” khi nói về tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân cũng đã được dư luận nhắc tới nhiều trong thời gian qua…đặt ra vấn đề trách nhiệm thuộc về ai? Và chắc hẳn rằng, trong đó có phần trách nhiệm của người đứng đầu. Trên thực tế cho thấy, không ít vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp đã được đưa ra xét xử mà hầu hết các đối tượng liên quan đều là cán bộ có chức, có quyền.

Trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải làm gương thì cán bộ cấp dưới mới kính trọng, mới toàn tâm toàn ý vì công việc chung. Nếu không, sẽ ngược lại. Song hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo, thậm chí vi phạm đạo đức, lối sống, làm những việc bất chính... Vấn đề nêu gương của cán bộ lãnh đạo luôn được mọi người chú ý, trong đó, vấn đề đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm có lẽ là những gì dễ quan sát, nhận biết và dễ giám sát nhất. Nếu một lãnh đạo luôn nói không với tham nhũng, tiêu cực nhưng lại có nhiều nhà sang, nhiều siêu xe sẽ bị nhân dân nhanh chóng phát hiện. Nếu một lãnh đạo đứng lên chỉ đạo tinh thần tiết kiệm, lối sống trong sáng, giản dị mà sau đó lại có những buổi tiệc tùng, sinh nhật linh đình, xa hoa thì chắc chắn cũng sẽ không ít người dị nghị.

Cũng phải nói rằng, dù dễ giám sát, nhận biết những vi phạm, sai phạm của các đồng chí lãnh đạo, thế nhưng, cấp ủy, cơ quan nơi cán bộ đó làm việc thiếu tinh thần đấu tranh, phê bình, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nếu có biết người đứng đầu làm việc sai trái cũng không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập. Có những nơi cấp ủy gần như bị vô hiệu hóa bởi người đứng đầu làm việc vô nguyên tắc, độc đoán, chuyên quyền.

Vấn đề nêu gương đối với người đứng đầu, người lãnh đạo quản lý là một yêu cầu bắt buộc, được quy định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Cách đây 5 năm, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư cũng ban hành Quy định số 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, nêu rõ, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Cuối năm 2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên (Quy định 55, ngày 19-12-2016), một lần nữa cho thấy thực tế đang đòi hỏi rất cấp bách về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Cùng với trách nhiệm nêu gương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mặt quản lý lãnh đạo. Nghị định số 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Trong đó nêu rõ chế độ, quyền hạn, trách nhiệm, khen thưởng và xử lý vi phạm người đứng đầu. Do đó, dù là vi phạm, sai phạm trực tiếp của lãnh đạo hay của cấp dưới thì người đứng đầu luôn phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức và pháp luật.

Trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm về nêu gương luôn là một đòi hỏi tất yếu của người lãnh đạo. Quy định của Đảng và Nhà nước rất đầy đủ và cụ thể, vấn đề ở chỗ, chỉ cần những người thực hiện các quy định ấy mà trước hết là những đồng chí cán bộ lãnh đạo thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao ắt sẽ không bị vướng vào bất cứ hình thức kỷ luật nào!

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực