Tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm

Thứ sáu, 22/02/2019 16:35
(ĐCSVN) - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, các cấp chính quyền tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện, nâng cao hiệu quả, chất lượng từ khâu nghiên cứu, lựa chọn vấn đề… Tăng cường đối thoại để gần dân, lắng nghe ý kiến người dân...
Quang cảnh Hội nghị ở điểm cầu Hà Nội. (Ảnh:TH)


Ngày 22/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí Thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cùng lãnh đạo đại diện Quốc hội, Chính phủ, các Ban, bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và gần 2800 đại biểu từ 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Nhiều kết quả tích cực

Sau 5 năm thực hiện, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam từng bước đi vào nền nếp. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực. Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước...

Cụ thể, đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình.

Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc trong đó cấp tỉnh: là 4.093 cuộc năm sau nhiều hơn năm trước; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện: 22.679 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, chủ trì giám sát được 466.012 cuộc.

Theo số liệu báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến thời điểm hết tháng 9/2018, địa phương có số văn bản phản biện nhiều nhất là thành phố Hà Nội với 7.560 văn bản, tiếp đó là Đồng Tháp với 5.015 văn bản phản biện và thấp nhất là tỉnh Điện Biên, Hà Nam, mỗi tỉnh tổ chức được 01 hội nghị phản biện xã hội của cấp tỉnh. Tính đến nay, 100% cấp tỉnh trong cả nước đã triển khai hoạt động phản biện xã hội; ở một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa tiến hành triển khai hoạt động phản biện xã hội.

Sau 5 năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức 82.865 cuộc phản biện xã hội, trong đó: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, chủ trì phản biện xã hội được 4048 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, chủ trì phản biện xã hội được 15.064 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, chủ trì phản biện xã hội được 63.753 cuộc.

Phải huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân

Tại Hội nghị, các đại biểu ở các điểm cầu trên cả nước đã tập trung thảo luận làm rõ sự phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; những vấn đề đặt ra trong vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam, và việc nêu cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên... Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới…

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt 
Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh:TH)

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy tốt vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, các chức sắc, tôn giáo, người tiêu biểu tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự kỳ vọng của nhân dân. 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp cần quan tâm tới các hình thức giám sát sao cho hiệu quả, thiết thực, từ đó nhân rộng các mô hình, điển hình trong hoạt động giám sát để tạo sức lan tỏa trong nhân dân và huy động sự vào cuộc của nhân dân. Khi triển khai các chương trình giám sát, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị xã hội cần tập trung vào việc giám sát về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát huy vai trò chủ trì giám sát phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là phải huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân và cùng với nhân dân phòng chống tham nhũng, lãng phí; triển khai giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu…

Kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Đảng; qua đó đóng góp cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong 5 năm qua, chuyển biến về nhận thức là điều rõ nét nhất; công tác giám sát, phản biện được cụ thể hóa bằng việc sửa đổi Luật MTTQ, thể hiện sự ghi nhận quyền dân chủ của người dân…. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần cho chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, xây dựng các chính sách phù hợp điều kiện thực tế; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh:TH)

Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp chính quyền các địa phương tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện để nâng cao hiệu quả, chất lượng từ khâu nghiên cứu, lựa chọn, quyết định nội dung giám sát, phản biện, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức, né tránh những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân. Tăng cường đối thoại để gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm; đồng thời, MTTQ cấp tỉnh phải hỗ trợ cấp huyện, xã thực hiện hiệu quả công tác phản biện, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân; xem đây là phương thức quan trọng để Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Về phía MTTQ Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, có đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm đối với hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về những kinh nghiệm, cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực