Phú Thọ: Mưa lũ gây thiệt hại nặng, nhiều tuyến đường và xã bị chia cắt

Chủ nhật, 22/07/2018 18:52
(ĐCSVN) – Do ảnh hưởng cơn bão số 3, đợt mưa kéo dài những ngày qua gây thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu cũng như các công trình giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ngay sau mưa lũ, chính quyền các địa phương cùng nhân dân đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Ngập úng tại huyện Thanh Sơn

Tân Sơn: 2 người chết và nhiều điểm ngập úng chia cắt

Từ tối ngày 20/7 đến 10h ngày 21/7, tại địa bàn huyện Tân Sơn tiếp tục có mưa to đến rất to, gây ngập úng, chia cắt hầu hết các xã, làm 2 người chết do đổ tường tại xã Long Cốc, 1 người gãy chân trong quá trình di dời tài sản của người dân ở xã Thạch Kiệt; sập 4 nhà ở các xã Minh Đài, Xuân Đài và 1 nhà bếp tập thể giáo viên trường cấp 1, 2; lở đất 71 nhà ở các xã Lai Đồng, Mỹ Thuận, Kim Thượng, Vinh Tiền, Thạch Kiệt, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài; ngập 1 điểm trường mầm non, 1 nhà văn hóa và 21 nhà ở các xã Mỹ Thuận, Văn Luông, Lai Đồng, Tân Phú.

Hầu hết diện tích hoa màu trên địa bàn huyện đều bị thiệt hại, hiện chưa thống kê đầy đủ do các xã, khu bị cô lập. Về các công trình giao thông, công cộng: Sập cầu treo khu Bến Gạo - xã Văn Luông; đứt 1 mố cầu cứng trên đường từ xã Văn Luông đi xã Minh Đài; sụt lún 1 đầu cầu trên đường từ xã Tân Phú Đi xã Xuân Đài; một số điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài từ 10 - 100m như: Dốc Tre, khu Kết - xã Lai Đồng; đường đi khu Mỹ Á - xã Thu Cúc, khu Sặt - xã Vinh Tiền, dốc Đỏ - xã Xuân Sơn đi xã Minh Đài, đường 316E đoạn khu Tân Lập, Tân Thư - xã Minh Đài; đỉnh Đèo Cón - xã Thu Cúc… và nhiều đoạn đường nguy cơ cao bị sạt, lực lượng chức năng phải cảnh báo, phân luồng; đổ cột điện cao thế, vỡ đập tràn xóm Dụ - xã Xuân Đài, trôi nhà văn hóa khu Ú - xã Thu Cúc; nước lũ các suối, tràn tiếp tục dâng cao, chảy xiết nên hệ thống đường liên thôn, liên xã bị chia cắt… Mất điện lưới toàn huyện từ 2h00 sáng ngày 21/7, mất liên lạc điện thoại cố định, sóng điện thoại di động bị gián đoạn…


Các lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn

Trước những ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ xảy ra trên địa bàn, huyện Tân Sơn đã thành lập 3 đoàn công tác khắc phục khó khăn đến trực tiếp cơ sở chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại, kiên quyết di dời các hộ dân vẫn ở khu vực nguy cơ sạt lở cao; lập rào chắn, cảnh báo nhanh các điểm sạt lở ta luy; kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại về người và tài sản…

Đến 22h ngày 21/7, mưa đã giảm, mực nước trên các sông, suối rút nhanh, tuy nhiên nguy cơ sạt lở tại một số điểm rất cao như xóm Dù, Lạng – xã Xuân Sơn, xóm Nhàng – xã Kim Thượng, xóm Bãi Muỗi – xã Xuân Đài… Ban Chỉ huy PCTT – TKCN huyện thực hiện duy trì trực ban nghiêm túc 24/24h, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ và kịp thời báo cáo tỉnh.

Thanh Sơn: Trên 3.700 hộ ngập trong bể nước

Theo báo cáo sơ bộ thiệt hại do mưa lũ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện lúc 15h00 ngày 21/7: Tổng số ngập trên 3.700 hộ (trong đó có trên 2.500 hộ phải di dời, chủ yếu ở thị trấn Thanh Sơn và xã Sơn Hùng) với trên 13.000 khẩu; thiệt hại về trồng trọt gồm 550ha lúa và 100ha ngô; thiệt hại về chăn nuôi là trên 1.000 con lợn, trên 10.000 con gà; trên 10 xe ô tô của 5 doanh nghiệp xuất khẩu và nhiều đồ dùng gia đình bị ngập, trôi... Ước thiệt hại trên 80 tỷ đồng.

Chính quyền và người dân hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Việt ở xóm Khuôn, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn di chuyển đồ đạc khi nước lên.

Đưa người dân phố Cầu Đất, thị trấn Thanh Sơn đến nơi an toàn.

Tam Nông: 1 người chết và 1230 hộ phải di dời

Mưa lũ cũng đã khiến 830 hộ dân tại các xã Tề Lễ, Quang Húc, Xuân Quang… phải di chuyển khẩn cấp, nhiều nhà bị ngập nước từ 1-3m; trên 150ha hoa màu bị thiệt hại. Đến sáng nay 22/7, nước lũ bắt đầu rút nhưng vẫn chậm, xã Quang Húc có 237 hộ bị ngập nước và vẫn có khoảng 30% số hộ nhà vẫn bị ngập do cống tiêu thoát chậm; xã Tề Lễ có 370 hộ vẫn đang bị ngập do nước rút chậm. Tại các trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện… nước đã rút, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ xã… tập trung dọn dẹp, khắc phục. Hiện các địa phương đang tập trung tuyên truyền người dân khi lũ rút sớm dọn dẹp vệ sinh đồng thời huy động lực lượng để trợ giúp.

Khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm cuộc sống ổn định cho nhân dân

Trước tình hình mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã đi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả tại các huyện bị ảnh hưởng.

Chiều 21 và sáng 22/7, đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại huyện Tam Nông, Thanh Sơn và Tân Sơn.

Bí thư tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc kiểm tra tình hình tại huyện Tam Nông

* Kiểm tra thực tế tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các địa phương phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc huy động lực lượng, phương tiện vật tư phòng chống mưa lũ. Đặc biệt, phải có phương án cụ thể để xử lý khi có tình huống phát sinh; chủ động phối hợp với ngành Điện lực để bảo đảm điện lưới phục vụ bơm tiêu úng kịp thời. Tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác tại các tuyến đê xung yếu, đặc biệt là các cống dưới đê, chú trọng công tác báo cáo để phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra

Đồng chí cũng lưu ý, các cấp chính quyền cần tích cực vào cuộc xây dựng các phương án phòng chống lũ mang tính chiến lược lâu dài, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng để đảm bảo các công trình, cơ sở vật chất kiên cố hơn. Sau khi nước rút, yêu cầu tất cả các lực lượng tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi cây màu để có thu hoạch, đồng thời chú ý tránh để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Đồng chí cũng đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, đảm bảo thông tin liên lạc để ứng phó kịp thời, sơ tán người dân tại nơi có nguy cơ sạt lở đất...

* Tại huyện Thanh Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tới thăm các khu vực bị ngập lụt nặng do nước lũ. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, đồng chí Bí thư chỉ đạo chính quyền huyện Thanh Sơn cần đặc biệt chú ý đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản. Ngay sau khi nước lũ rút, cần có các biện pháp xử lý môi trường tốt để tránh bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Cần làm tốt việc thiết lập mối quan hệ liên gia giữa các hộ dân để chủ động ứng cứu kịp thời, hỗ trợ lẫn nhau trong khi chờ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp.

Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở chính quyền các cấp huyện Thanh Sơn cần chú ý nắm bắt thông tin, tình hình thực tế tại các xã trên địa bàn, đặc biệt là các xã vùng thượng huyện, xã vùng sâu, vùng xa cho tới khi thời tiết không còn diễn biến bất thường để sớm ổn định đời sống cho bà con. Ngoài ra, cần sớm khắc phục lưới điện để người dân tiếp tục sinh hoạt và phát triển sản xuất.

Tại khu Phú Gia, thị trấn Thanh Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn mà người dân đang phải trải qua. Đồng chí lưu ý sau mưa lũ, chính quyền thị trấn Thanh Sơn cần sửa chữa hệ thống thoát nước, nạo vét bùn lấp, làm sạch đường phố, trả lại cảnh quan sạch, đẹp cho người dân. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do mưa lũ, đồng chí nhắc nhở các cán bộ Huyện ủy, UBND song song với việc đảm bảo an toàn cho người dân, cần hết sức lưu ý bảo quản các tài liệu lưu giữ tại các nhà làm việc; sớm ổn định công việc, không để trì trệ và chậm trễ các nội dung đã lên kế hoạch.

* Kiểm tra trên địa bàn huyện Tân Sơn, đồng chí Hoàng Dân Mạc chia sẻ những khó khăn với các gia đình, mong muốn các gia đình sớm ổn định tinh thần, khôi phục, phát triển lại sản xuất.

Đi kiểm tra thực tế tại các công trình giao thông hư hỏng nặng, chia cắt cũng như các vị trí giao thông nguy hiểm, đối với 2 cây cầu bị hư hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông là cầu Minh Đài và cầu treo Văn Luông, đồng chí Hoàng Dân Mạc đánh giá cao huyện, xã đã sát sao nắm bắt tình hình, sớm thực hiện phương án chặn cầu, cảnh báo không cho phương tiện, người dân qua lại đảm bảo an toàn tính mạng.

Đồng chí yêu cầu Sở GTVT sớm lên phương án kỹ thuật, thi công, tập trung xử lý nhịp cầu Minh Đài bị đứt gãy, giao UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để đưa cây cầu lưu thông trở lại trong tháng 8. Cầu treo Văn Luông bị đứt, hư hỏng hoàn toàn 1 trụ cầu phía khu Bến Gạo, xã Văn Luông, UBND huyện Tân Sơn khẩn trương lập phương án khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công, đảm bảo tính bền vững của cây cầu đặc biệt là trong mùa bão lũ, vì đây là cây cầu huyết mạch kết nối các khu, xóm của xã với hệ thống các điểm trường mầm non, tiểu học, trạm y tế,... của xã Văn Luông. Tỉnh lộ 316 tại vị trí dốc Tre, xã Kiệt Sơn bị sạt lở hàng nghìn m3 đất đá, đây là đoạn đường do Sở GTVT quản lý, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở tập trung thêm máy móc, thiết bị vận chuyển đất đá đang bị sạt lở đi nơi khác, không san gạt sang 2 bên đường, sớm đưa tuyến đường lưu thông trở lại, các sở ngành liên quan tính toán phương án xây dựng kè chân, mái bằng bê tông cốt thép để đảm bảo tình trạng sạt lở tại đây không diễn ra trong các đợt mưa bão tiếp theo.

Các lực lượng chức năng cùng người dân dọn dẹp khi nước rút

Theo thông tin mới nhận được, tính đến thời điểm chiều 22/7, nước đã rút khá sâu. Đến 9h sáng nay 22/7, mực nước trên sông Thao tại Phú Thọ chỉ còn 17,34m, dưới mức báo động 1 là 0,16m. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay, nước trên sông Thao sẽ rút chậm, đến 19h ngày 22-7 sẽ còn 16,80m, đến 7h ngày 23-7 còn 16,3m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt cấp 1.

 Trong lúc này, người dân tại các huyện bị ngập úng tranh thủ thau rửa nhà cửa, đồ đạc đồng thời tiến hành các biện pháp khử trùng. Các lực lượng chức năng như y tế, cứu hộ, công an, quân đội cùng nhiều lực lượng tại chỗ cũng đã cùng vào cuộc với nhân dân nhanh chóng khắc phục tình hình…/.

Hiền Hòa và CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực