Những chuyển biến trong đổi mới sinh hoạt chi bộ ở huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam)

Thứ ba, 06/11/2018 22:19
(ĐCSVN) - Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần xây dựng tổ chức đảng và đảng viên ngày càng vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Thông qua đó nhằm góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng. Nhiệm vụ này đang được các tổ chức đảng ở cấp thôn thuộc huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) tập trung thực hiện.

Những chuyển biến trong đổi mới sinh hoạt chi bộ ở huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam)

Bài 2: Chuyển biến tích cực từ đổi mới sinh hoạt chi bộ

Nhà Gươl - Nơi chi bộ và người dân thôn Pà Rum A (xã Zuôih)
chọn làm nơi sinh hoạt, họp hành để giải quyết các công việc của thôn 

Ngay sau khi tham quan, tìm hiểu thực tế tại 2 thôn Pà Rum A  và Pa d’Hí thuộc xã Zuôih, chúng tôi gặp đồng chí Phạm Phú Thảo, Phó trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Nam Giang và trao đổi về những vấn đề vừa ghi nhận được, nhất là trong công tác đổi mới sinh hoạt chi bộ tại 2 thôn trên.

Đồng chí Phạm Phú Thảo cho biết: Tính đến 30/9/2018, toàn huyện có 56 tổ chức cơ sở đảng với 2.578 đảng viên; trong đó có 12 đảng bộ xã và 62 chi bộ thôn. Gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ nhiều năm qua công tác xây dựng Đảng nói chung và đổi mới sinh hoạt chi bộ tại các thôn trên địa bàn huyện luôn được các cấp ủy và đội ngũ đảng viên quan tâm.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên nhằm đổi mới sinh hoạt chi bộ, theo chỉ đạo của Huyện ủy Nam Giang là phải duy trì nền nếp, quy trình sinh hoạt chi bộ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua Đảng ủy các xã và chi ủy các thôn đã chọn ngày 28 hàng tháng định kỳ là ngày sinh hoạt chi bộ; đồng thời quan tâm cải tiến nội dung sinh hoạt theo hướng gọn nhẹ, trọng tâm, thiết thực, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình, tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề bức xúc của thôn; nhiều chi bộ có phân công nhiệm vụ cho đảng viên và biểu quyết những vấn đề lớn, nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ”- đồng chí Phạm Phú Thảo chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Phạm Phú Thảo: “Qua chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chi bộ, các chi bộ thôn trong toàn huyện đã chủ động đăng ký, tiến hành sinh hoạt chi bộ theo các chuyên đề mà Đảng ủy cấp trên gợi ý hoặc các yêu cầu từ tình hình thực tế tại thôn đặt ra. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2018 đến nay, khá nhiều chi bộ thôn như: Pà Ia (xã Tà Bhing), Hoa, Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2, Dung, Pà Dấu 1, Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ), Đắc Rế (La Dê), Pà Rum A  (Zuôih)… đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ, ý thức tự giác, trách nhiệm của đảng viên, đồng thời nêu gương để quần chúng nhân dân noi theo. Đây thực sự là những buổi sinh hoạt tạo không khí tích mới mẻ, được đảng viên hào hứng tham gia”.

Cùng với đăng ký tổ chức các buổi sinh hoạt theo chuyên đề, gần đây, thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng, các chi bộ thôn tại các xã, thị trấn của huyện đã phát động phong trào “Dân vận khéo”. Cụ thể như: Tại xã La Dê có 6/6 chi bộ đăng ký; Zuôih có 3 mô hình cá nhân; Cà Dy có 4 mô hình tập thể và 8 mô hình cá nhân…

“Hầu hết các chi bộ thôn phát động xây dựng mô hình “Dân vận khéo” này đều tập trung vào những nhiệm vụ mà chi bộ, thôn đang quan tâm để thực hiện, nhất là Dân vận trong thực hiện Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thông qua các mô hình này, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn làm ăn, thoát nghèo được đẩy mạnh đến mỗi người dân trong thôn. Nhờ đó, thời gian gần đây trên địa bàn các thôn của huyện có nhiều gia đình tự nguyện đăng ký thoát nghèo như: Thạnh Mỹ có 71 hộ, La Ê có 36 hộ, Đắc Pring 30 hộ, La Dê 24 hộ, Cà Dy 21 hộ…

Ngoài những chuyển biến tích cực trên, các cấp ủy và cán bộ, đảng viên ở các thôn luôn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, ngăn ngừa nạn tảo hôn. Cụ thể, tại các buổi sinh hoạt thôn, cuộc họp chi bộ thôn, cấp ủy và ban nhân dân thôn đã quán triệt, lồng ghép tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu các tác hại và hậu quả mà nạn tảo hôn mang lại cho cộng đồng và mỗi cá nhân, nhất là các cháu nhỏ trong thôn. Qua công tác tuyên truyền, giáo dục này, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn đã được nâng cao đáng kể; các trường hợp tảo hôn giảm nhiều so với trước.

Tuy nhiên, để có sự đổi mới mang tính đồng bộ và tạo nên những chuyển biến tích cực trên, theo đồng chí Phạm Phú Thảo, trên cơ sở Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ; Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/4/2013 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, ngày 12/4/2016, Huyện ủy Nam Giang ban đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng cơ sở nhiều chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ, trong đó có coi trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là giải pháp quan trọng, yếu tố hàng đầu bảo đảm hiệu quả lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Thông qua việc đổi mới sinh hoạt chi bộ, cấp ủy và đội ngũ đảng viên ở cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò “nền tảng” về “chức năng hạt nhân chính trị ở cơ sở” của chi bộ, tạo chuyển biến tích cực về công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đây sẽ là cầu nối, nhịp cầu để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn dân để xây dựng và phát triển địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do đặc thù của chi bộ ở các địa bàn thôn khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đổi mới sinh hoạt chi bộ vẫn còn nhiều hạn chế, lúng túng, nhất là trong việc đánh giá tư tưởng của đảng viên còn chung chung, ít quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của đảng viên và quần chúng; nhiều chi bộ chưa dành thời gian thích đáng để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng trước và bàn nhiệm vụ tháng tới; công tác thảo luận còn chung chung, chất lượng chưa cao; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề đã có sự quan tâm nhưng chưa đại trà, còn lúng túng trong việc chọn nội dung, chủ đề và phương thức triển khai v.v...

Một số tài liệu dùng trong sinh hoạt chi bộ tại huyện Nam Giang

Theo đồng chí Phạm Phú Thảo, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và từng bước tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong công tác sinh hoạt chi bộ, cấp ủy các cấp cần tập trung vào những vấn đề như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ủa Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ; Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/4/2013 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; Nghị quyết 04-NQ/HU, ngày 12/4/2016 của Huyện ủy Nam Giang về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là các sinh hoạt chuyên đề, qua đó quan tâm, lựa chọn một số nội dung cần thiết xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo của chi bộ trong từng thời gian, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng chi bộ, nhất là các chị bộ thôn, làng có nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các chi bộ quan tâm triển khai học tập, quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị một cách thường xuyên, nền nếp. Trong đó, chi ủy nên lựa chọn một số nội dung phù hợp làm chuyên đề sinh hoạt gắn với đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ cũng như các yêu cầu nhiệm vụ thực tế đang đặt ra tại địa phương.

Các chi bộ cần làm tốt và phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ gắn với đẩy mạnh phê bình và tự phê bình của đảng viên trong tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên cũng như các nhiệm vụ tại địa phương; nhất là đánh giá những hạn chế, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục để xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức đảng và đảng viên đối với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm để tính chiến đấu trong nội bộ đảng và đảng viên luôn được phát huy.

“Hiện những nhiệm vụ, nội dung trên đang được Huyện ủy Nam Giang triển khai đến từng tổ chức đảng ở cơ sở. Hy vọng tới đây, công tác sinh hoạt chi bộ ở cơ sở sẽ tiếp tục có những chuyển biến mới hiệu quả hơn”- đồng chí Phạm Phú Thảo bày tỏ kỳ vọng./.

Bài ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực