Kon Tum cần phát huy ​lợi thế từ rừng; đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp

Thứ sáu, 22/06/2018 09:32
(ĐCSVN) - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Kon Tum cần nghiên cứu triển khai thêm nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao hơn; điều chỉnh cơ chế để khai thác được lợi thế từ rừng; đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, mang lại cho người dân cuộc sống tốt hơn.…​
Đồng chí Cao Đức Phát -- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương
phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Kon Tum.

Ngày 21/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương có các đồng chí: Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Kon Tum.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt; khoa học, công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp; nông nghiệp phát triển khá toàn diện, có những đột phá trong một số lĩnh vực, tạo nguồn thu nhập và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Các sản phẩm chủ lực như: Cà phê, cao su tiếp tục ổn định và phát triển; diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2017 gần 18.000 ha, tăng hơn 8.500 ha so với năm 2008; diện tích cây cao su ước đạt 74.800 ha, tăng hơn 43.000 ha so với năm 2008; đã phát triển được gần 330 ha sâm Ngọc Linh. Tỉnh đã phê quyệt quy hoạch phát triển rau – hoa – quả và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với du lịch sinh thái huyện Kon Plông, với tổng diện tích hơn 4.970 ha, thu hút 64 doanh nghiệp với diện tích khoảng 100 ha để xây dựng nhiều mô hình sản xuất hoa xứ lạnh, mô hình sản xuất rau, củ quả an toàn theo quy chuẩn VietGap.

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia  Xây dựng nông thôn mới được quan tâm và tạo được đồng thuận cao trong nhân dân. Đến tháng 5/2018, toàn tỉnh có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,3% tổng số hộ dân toàn tỉnh, giảm 6,2% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 là hơn 17,7 triệu đồng/năm. Lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội được quan tâm đầu tư, đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 49 hợp tác xã nông nghiệp, với 1.260 thành viên; 112 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn nhất định, như: Diện tích, năng suất cây nông nghiệp và một số cây hàng hóa tăng chậm; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp chưa rõ nét; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiếu đồng bộ; việc lồng ghép các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới khó thực hiện, hiệu quả chưa cao…

Tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hướng dẫn lại một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; hướng dẫn việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các loại hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại để phát triển sản xuất…

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ghi nhận, biểu dương tỉnh Kon Tum đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thông qua việc ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động, đề án, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; qua đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, nghiên cứu triển khai thêm nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao hơn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; xem xét phát triển chăn nuôi, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; cần phải điều chỉnh cơ chế để khai thác được lợi thế từ rừng; đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, mang lại cho người dân cuộc sống tốt hơn. 

* Trước đó, vào chiều 20/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã về thăm, làm việc với Huyện ủy Đăk Hà (Kon Tum) về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X ) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

Tin, ảnh: Phi Em

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực