Hướng về cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ tư, 18/09/2019 09:58
(ĐCSVN) - Nhiệm kỳ 2014-2019, hoạt động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội.

Giám sát, phản biện – Khâu đột phá trong hoạt động của công tác Mặt trận

Vị trí và mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với các tổ chức trong hệ thống chính trị

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà, hỗ trợ làm nhà cho 5 gia đình thương binh,
gia đình liệt sĩ, hộ nghèo trên địa bàn huyện Can Lộc. (Ảnh:TH)

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm với Nhân dân

Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã phát huy thuận lợi, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chương trình hành động do Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đề ra và đã đạt được kết quả quan trọng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và phát huy, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Ủy ban MTTQ các cấp đã không ngừng nâng cao vai trò chủ trì trong phối hợp và thống nhất hành động. Các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của các đoàn viên, hội viên; thu hút được sự tham gia của các giới, các giai tầng trong xã hội vào hoạt động của tổ chức. Liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức - nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Đồng bào các dân tộc phát huy mối quan hệ "bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”; đồng bào các tôn giáo phấn khởi với đường hướng "tốt đời, đẹp đạo" gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngày càng hướng về Tổ quốc, đóng góp nhiều nguồn lực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước...

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Điểm nổi bật là Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở nhiều địa phương tập trung chỉ đạo điểm và phát triển rộng khắp các mô hình nhân dân tự quản, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; tích cực lồng ghép tuyên tuyền, vận động bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm Mặt trận chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” và phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Trong nhiệm kỳ, hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động được 19.703 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, vận động quỹ "Vì người nghèo” trên 4.672 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, được khám, chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường.

Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ hằng năm. Ủy ban Mặt trận đã chủ trì vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; các tổ chức thành viên có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sỹ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội...

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai với nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân trong ưu tiên phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam có chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm ưu tiên dùng hàng Việt, mô hình mỗi xã, phường một sản phẩm... 

Công tác giám sát và phản biện xã hội trong nhiệm kỳ qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc. Ủy ban Mặt trận các cấp đã tổ chức 86.872 cuộc phản biện xã hội, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Điểm nhấn nữa là Mặt trận đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội. Lựa chọn những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát, báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong Nhân dân đã được các bộ ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp Nhân dân.

Việc tổ chức tiếp xúc cử tri và tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước ngày càng có nhiều đổi mới và hiệu quả hơn. Việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ngày càng nền nếp. Cùng với đó Ngày hội đại đoàn kết hằng năm tổ chức ở địa bàn dân cư thực sự là diễn đàn để Nhân dân trao đổi, phản ánh trực tiếp tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Ở nhiều nơi, cán bộ Mặt trận đã thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo, biết lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Hoạt động đối ngoại Nhân dân của Mặt trận và các tổ chức thành viên theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả” góp phần, tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. (Ảnh: TH)


Bên cạnh đó, hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những cố gắng đó đã góp phần tích cực làm cho đất nước ta "thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Có thể nói, thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua là không nhỏ và những khó khăn hạn chế cũng không phải là ít. Một trong những hoạt động trọng tâm của MTTQ các cấp là công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên khi thực hiện nhiệm vụ này có nơi chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao ở một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông... Đáng chú ý, một số nơi việc nắm bắt tình hình nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; vẫn còn có những vụ việc bức xúc chưa thấy rõ vai trò phản ánh, tham mưu và tham gia giải quyết của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài chưa thường xuyên….

Mặt khác, việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của Mặt trận và các tổ chức thành viên ở một số nơi, nhất là cơ sở còn chồng chéo, hiệu quả phối hợp chưa cao. Công tác vận động hỗ trợ giảm nghèo mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả giảm nghèo bền vững chưa cao. Cuộc vận  động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo” chưa thực sự phát triển rộng rãi ở địa bàn cơ sở. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận mới chỉ tập trung nhiều ở cấp Trung ương và cấp tỉnh; hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa tổ chức được nhiều chương trình giám sát độc lập; chưa có cơ chế, quy trình thích hợp phát huy vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Việc củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động ở cấp địa phương, cơ sở còn nhiều khó khăn và bất cập; không ít cán bộ Mặt trận và các đoàn thể, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chưa được bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác Mặt trận....

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, chủ đề của Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thể hiện rõ chủ trương “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, Mặt trận các cấp sẽ triển khai rất nhiều chương trình và hoạt động khác nhau. Do đó, Mặt trận cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức của đất nước để xác định nhiệm vụ; quán triệt sâu sắc quan điểm: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của sự nghiệp đổi mới, mọi hoạt động phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, vì “ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân”, khơi dậy khát vọng, mọi tiềm năng, nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh, góp phần tích cực để đất nước phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, muốn làm được điều đó, trước hết, Mặt trận phải tiếp tục mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Đồng thời tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Muốn thế phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện của nhân dân để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền cho hiệu quả. Phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Thể hiện rõ vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Quan tâm hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo, thường xuyên chăm lo đối với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các thủ đoạn thù địch, lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. (Ảnh:TH)


Song song với đó, MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Mặt trận cần tuyên truyền, động viên nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo, vươn lên làm giàu; không để ai bị bỏ lại phía sau. Phải nâng cao kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội; phối hợp giải quyết kịp thời kết quả đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, Mặt trận cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết cán bộ chuyên trách phải là những người tiên phong về nhận thức, gương mẫu trong hành động; năng động, sáng tạo, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, không đùn đẩy, né tránh khi thực hiện công việc…

Với quyết tâm mới, khí thế mới, chúng ta tin tưởng, Đại hội IX MTTQ Việt Nam phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vào những quyết sách đúng đắn, hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ đảng; những nghị quyết, quyết định và giám sát tối cao của Quốc hội và sự chủ động chỉ đạo, điều hành, quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế…nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường phát triển nhanh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực