Hà Nội: Nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Thứ năm, 09/03/2017 18:25
(ĐCSVN) - Sáng 9/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến 2020”.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: HH)

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới được 886 tổ chức đảng, đạt 88,15% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số tổ chức đảng doanh nghiệp ngoài Nhà nước của thành phố lên 1.637; kết nạp mới 5.964 đảng viên mới, trong đó có 24 đảng viên là chủ doanh nghiệp.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập mới 1.994 công đoàn cơ sở với 213.066 đoàn viên, đạt 106,5% so với chỉ tiêu kết nạp đoàn viên công đoàn. Thành đoàn Hà Nội đã thành lập được 681 tổ chức đoàn, hội thanh niên với 20.401 đoàn viên, hội viên.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, số lượng các tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên tăng nhanh chóng, bằng 1,25 lần tổng số tổ chức đảng được thành lập sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị năm 1996 về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân.

Nhiều tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Ban Bí thư, lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền, vận động Ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy và Ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các đoàn thể trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, góp phần tích cực vào sự ôn định và phát triển của doanh nghiệp.

Các tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp những giải pháp để lãnh đạo, xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đoàn thể; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ kinh phí thành lập mới các tổ chức đoàn thể; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để Ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích của các tổ chức đoàn thể, hạn chế những vụ tranh chấp lao động, đình công, lãn công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TU của Ban Thường vụ vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể còn hạn chế về nhiều mặt, nội dung, hình thức hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể mới thành lập còn lúng túng, vai trò, vị trí trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, có nơi tổ chức đoàn thể chỉ là hình thức chưa mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp...

Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020, thành lập mới: 600-650 tổ chức đảng; 1.700-1.800 tổ chức công đoàn; 900-1.000 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; 50-60 tổ chức hội phụ nữ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Dịp này, Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, đây là Nghị quyết chuyên đề duy nhất và đầu tiên trong cả nước được ban hành từ năm 2010 trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể... Hà Nội đã có nhiều sáng tạo và cách làm hay trong phát triển đảng, đoàn thể và đảng viên như: Vận động doanh nghiệp cho thành lập tổ chức đảng, đoàn thể; tôn vinh chủ doanh nghiệp đã hỗ trợ thành lập tổ chức đảng, đoàn thể; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để gắn kết doanh nghiệp với tổ chức Đảng; cử cán bộ xuống gặp gỡ, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp để ủng hộ, hỗ trợ kịp thời hoạt động của họ; xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy với chuyên môn; vận động đảng viên, người lao động tích cực tham gia đóng góp sáng kiến, cải tiến góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển....

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đặc biệt ấn tượng cách làm và kết quả mà Thành phố Hà Nội đạt được trong công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị toàn thành phố.

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho rằng, việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là một việc làm mới, vì thế, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tìm ra cơ chế, cách làm để vừa phát triển đảng, và các đoàn thể trong doanh nghiệp, vừa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với người lao động. Từ những thực tiễn kinh nghiệm của Hà Nội để xây dựng thành mô hình mẫu nhân rộng ra cả nước.

Nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: HH)

Ghi nhận sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, cấp ủy Đảng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong thực hiện Nghị quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị: Thời gian tới, các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy, các đoàn thể. Ban Chỉ đạo và các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ trí thức, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần chủ động nắm bắt tình hình doanh nghiệp, doanh nhân, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp để kịp thời có chủ trương tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, củng cố, đổi mới mô hình tổ chức và nội dung, phương thức lãnh đạo của các loại hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là các trong các đảng bộ Tổng công ty, Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các đảng bộ Khối Doanh nghiệp, Công nghiệp Hà Nội, Đảng bộ khối Doanh nghiệp trực thuộc các quận, huyện, thị ủy; các tổ chức đảng ở các đơn vị sau cổ phần hóa, đảm bảo đúng quy định, đáp ứng tình hình hoạt động từ thực tiễn…/.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực