Công tác phát triển đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc

Thứ ba, 25/10/2016 12:00
(ĐCSVN) - Trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đã được nâng cao một bước. Tuy nhiên, số tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế; chất lượng đảng viên, đoàn viên chưa cao.

 Ngày 3/10, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan  báo cáo với đoàn công tác của Trung ương
 về kết quả thực hiện 
Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).

Kết nạp được 23 đảng viên là chủ doanh nghiệp

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” ở Vĩnh Phúc đã được được những kết quả bước đầu.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, hiện  Vĩnh Phúc có 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy gồm: 9 đảng bộ huyện và 5 đảng bộ trực thuộc với 643 tổ chức cơ sở đảng (trong đó 266 đảng bộ và 377 chi bộ cơ sở). Số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 3.131. Tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ là 61.904 đảng viên. Tính đến 31/6/2016, Đảng bộ tỉnh có 115 tổ chức cơ sở đảng thuộc các loại hình doanh nghiệp với 3.155 đảng viên. Có 48 chi, đảng bộ trong công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân, DNTN và 2 chi bộ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số tổ chức cơ sở đảng thành lập mới là 23 tổ chức, nâng tổng số tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh lên 115.

Về công tác phát triển đảng, toàn tỉnh kết nạp được 1.100 đảng viên, trong đó có 23 chủ doanh nghiệp tư nhân. Các chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên đã thực hiện tốt qui định của Bộ Chính trị về đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Nói về kết quả củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Văn Toàn cho biết, các chi, đảng bộ trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNNKVNN) thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư. Các chi, đảng bộ cũng đã xây dựng được quy chế làm việc, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy, từng cấp ủy viên và mối quan hệ của cấp ủy với ban lãnh đạo doanh nghiệp, ban chấp hành các đoàn thể.

Cấp ủy kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị, đề xuất của đảng viên, quần chúng; chủ động trao đổi, đề xuất với người quản lý doanh nghiệp chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng đắn các vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp.

Công tác xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh được các cấp ủy chú trọng, chất lượng tổ chức cơ sở đảng và xếp loại đảng viên được nâng cao, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh đạt trên 80%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90%, không có tổ chức đảng yếu kém.

Cũng theo báo cáo của Tỉnh ủy, đến 31/6/2016, đã thành lập được 155 tổ chức công đoàn cơ sở trong khối DNNKVNN với 34.592 đoàn viên. Qua đánh giá xếp loại từ năm 2010-2015, tỷ lệ công đoàn cơ sở đạt vững mạnh đạt 68,2%. Trong đó, vững mạnh xuất sắc đạt 38,4%. Có 49 tổ chức Đoàn thanh niên, 06 tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên trong DNNKVNN với tổng số 6.656 đoàn viên, hội viên. Các tổ chức đoàn trong DNNKVNN chủ yếu là chi đoàn cơ sở. Đa số các doanh nghiệp có tổ chức đoàn, hội là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các phong trào “Sáng tạo trẻ”, “Thi đua bốn nhất” được triển khai rộng rãi; chương trình tuyên dương Người thợ trẻ giỏi, “Xuân ấm tình thợ trẻ”, “tiếp sức thanh niên công nhân”, tặng vé xe về quê ăn tết, khám chữa bệnh, cắt tóc miễn phí đã tạo dấu ấn tốt đẹp đối với doanh nghiệp... Đồng thời trong 5 năm qua, tỉnh mở 02 lớp Trung cấp Lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp với 173 học viên; cử một số lãnh đạo doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia học các lớp Cao cấp lý luận chính trị theo chỉ tiêu của tỉnh giao. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm tới chế độ cho các đồng chí cấp ủy viên không chuyên trách (0,2 mức lương tối thiểu/người/tháng).

Đánh giá về tổ chức và hoạt động của DNNKVNN sau khi thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Tạ Văn Tình khẳng định: Các doanh nghiệp trước khi có tổ chức đảng, đoàn thể việc cập nhật các thông tin về thời sự, cơ chế chính sách đôi khi chậm, không kịp thời, mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động có khi chưa hài hòa, chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến có hoạt động đình công, lãn công... Khi tổ chức đảng, đoàn thể được thành lập đã và đang từng bước phát huy được vai trò, vị trí và có đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững hơn. Đồng thời, góp phần bảo đảm điều tiết hài hòa giữa 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Các tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, thực hiện tốt chức năng của mình, góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Công nhân Công ty cổ phần thép Việt Đức tại Khu công nghiệp Bình Xuyên - Vĩnh Phúc.

Những khó khăn, bất cập trong phát triển đảng, đoàn thể

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Văn Toàn, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên còn nhiều hạn chế, sau 5 năm chỉ phát triển mới được 23 tổ chức đảng. “Hiện, DNNKVNN có 1609 đảng viên, trong đó có 1.287 đảng viên làm việc trên 12 tháng. Tuy nhiên, hầu hết số đảng viên này không chuyển sinh hoạt đảng vào doanh nghiệp mà sinh hoạt tại nơi cư trú. Vì doanh nghiệp không có tổ chức đảng hoặc công việc ở doanh nghiệp chưa ổn định”.

Về nguồn phát triển đảng viên, đồng chí Hoàng Văn Toàn cho biết, hiện nay lãnh đạo doanh nghiệp là đảng viên còn ít, chất lượng đảng viên hạn chế. Thực tế cho thấy tổ chức công đoàn và đoàn viên tăng nhưng tổ chức đảng không tăng tương ứng (chỉ tiêu một năm thành lập 2 đến 4 tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn nhiều khó khăn).

Đồng chí Tạ Văn Tình, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh khẳng định, “thực tế ở doanh nghiệp có tổ chức đảng sản xuất, kinh doanh tốt hơn, chấp hành chính sách pháp luật tốt hơn, dân chủ tốt hơn, lợi ích người lao động bảo đảm, gần như không có đình công, lãn công, đây là khác biệt lớn”.

Tuy nhiên, việc phát triển đảng và đảng viên tại các doanh nghiệp trong nước đã khó, thì doanh nghiệp nước ngoài còn khó khăn hơn nhiều. Bởi nhiều doanh nghiệp cho rằng, không vào Đảng họ tự do hơn: thứ nhất, đi đâu không phải báo cáo; thứ hai, là đề bạt cách chức cán bộ theo ý mình; thứ ba, trả lương là quyền mình...”, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: “thực tế người lao động không mặn mà vào các tổ chức đảng, đoàn thể, họ lao động tốt ở doanh nghiệp với mục tiêu lớn nhất là để có thu nhập cao. Đặt vấn đề đi học về làm gì? chủ doanh nghiệp sẽ bố trí việc khác?”

“Với doanh nghiệp tổ chức đảng có thể phân hai loại: Loại thứ nhất, bộ máy lãnh đạo không là đảng viên hiệu quả lãnh đạo quản lý không cao, không rõ rệt. Loại 2, tổ chức đảng doanh nghiệp FDI, phải “vật vã” mới thành lập được. Doanh nhiệp người ta không muốn các tổ chức này, họ cho rằng hiện nay rất dân chủ rồi không muốn giám sát, công khai phản ánh về doanh nghiệp…Tuy khó nhưng không nóng vội được, cần đảm bảo đúng nguyên tắc lấy hiệu quả đặt lên hàng đầu. Quan tâm đến Thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động với chủ doanh nghiệp làm thế nào lợi ích của các bên đồng thuận gặp nhau được", Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới cần nghiên cứu thí điểm vận dụng đặc thù của doanh nghiệp, thành lập mô hình công đoàn cơ sở Đảng ủy Khối doanh nghiệp, các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân là công đoàn thành viên. Tăng cường biên chế cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể cho các cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên...; có thể cho phép hợp đồng từ 1 -2 cộng tác viên  được hưởng lương (hoặc tiền công) từ ngân sách của tỉnh, làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp. Nghiên cứu cơ chế chính sách về chế độ phụ cấp cấp ủy cho cấp ủy viên dưới cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác đảng chuyên trách trong DNNKVNN khi đủ điều kiện.

 "Cần có quy định thống nhất trong việc xây dựng, củng cố bộ máy đồng bộ từ tổ chức đảng với các tổ chức đoàn thể nhân dân. “Có cơ chế khuyến khích, động viên các chủ doanh nghiệp tự nguyện đứng vào hàng ngũ của đảng, thay vì cứ hô hào chung chung để từ đó có niềm tin của chủ doanh nhiệp, phát huy trách nhiệm cùng với các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể nhân dân thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp mình khi đủ điều kiện thành lập. Cần có chính sách bổ sung biên chế để có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp; chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cấp uỷ và người lãnh đạo doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực