Chọn cán bộ lãnh đạo giỏi qua thi tuyển

Thứ ba, 27/06/2017 17:07
(ĐCSVN) – Không khó để cảm nhận được bức xúc của người dân khi đón nhận những thông tin như bổ nhiệm “người thân”, “người nhà”,… và rồi sau đó là điệp khúc “đúng quy trình” lặp đi lặp lại. Đều là đúng quy trình, nhưng lại thấy tâm trạng không vui. Và việc thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm “người nhà”, là một giải pháp quan trọng để chọn cán bộ lãnh đạo giỏi.
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).
Bổ nhiệm “người thân”, “người nhà”...


Thời gian vừa qua, thông tin trên báo chí có nêu chuyện “vợ giám đốc, chồng phó giám đốc” “cả họ làm quan”; rồi chuyện ông “nhận” con tôi, tôi “nhận” con ông. Hay có những người còn bất chấp dư luận công khai “bố bổ nhiệm con”, “mẹ bổ nhiệm con”, “chồng quy hoạch vợ”,… là lời miêu tả về những vụ tuyển dụng, bổ nhiệm gây xôn xao dư luận, gây hoài nghi về sự liêm chính trong việc chọn nhân tài thời gian qua. 

Trong báo cáo vừa qua của Chính phủ nêu 9 địa phương có 58 trường hợp bổ nhiệm là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Không chỉ đề cập đến vấn đề bổ nhiệm “người nhà”, Chính phủ cũng “điểm tên” những sở có quá nhiều “quan”...

Điều mà người dân quan tâm là những người có liên quan đều cho rằng “đúng quy trình”, không khuất tất. Có nghĩa là các trường hợp được bổ nhiệm đều được quy hoạch, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn rồi mới đề bạt, bổ nhiệm. Trong đó, nổi bật là trường hợp điều động, bổ nhiệm, luân chuyển của Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đình Duy... thuộc Bộ Công thương, làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, sai phạm nghiêm trọng nhưng lại được hợp thức bởi những “quy trình đúng” để "leo cao". Điều này làm cho dư luận đặt câu hỏi có sự nể nang, thân hữu không? Đằng sau sự “đúng quy trình” ấy chắc hẳn sẽ khó tránh khỏi sự thông đồng, thỏa hiệp, trục lợi...

Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức không phải là vấn đề mới, nhưng luôn là vấn đề nóng trên các diễn đàn từ Trung ương cho đến các Bộ, ngành, địa phương, bởi nó liên quan trực tiếp đến trọng dụng nhân tài để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Để chuyện bổ nhiệm “người thân”, “người nhà” xảy ra trong cơ quan, đơn vị thời gian qua làm cho dư luận bức xúc, phải chăng là do cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm thiếu công khai, minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình, chưa có giải pháp hiệu quả?

Cần tiến hành thi tuyển để tìm người tài

Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ, ngày 26/5/2015, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 202-TB/TW về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong đổi mới công tác cán bộ, khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Nhân dân cũng đang mong đây là liều thuốc hữu hiệu chữa bệnh bổ nhiệm “người thân”, “người nhà”.

Trước đó, nhiều địa phương như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Quảng Ninh... cũng đã thi tuyển cạnh tranh chức danh phó,trưởng phòng, phó giám đốc sở. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đã thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở. Đây là nét đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh. Việc thí điểm thi tuyển 2 chức danh trên là cơ sở để tỉnh rút kinh nghiệm, đồng thời ban hành quy định thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, qua đó lựa chọn những cán bộ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ở cấp Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp… cũng đã tiến hành thi tuyển thành công một loạt chức danh lãnh đạo các đơn vị. Việc thi tuyển lãnh đạo bước đầu được cho là đang đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của các cơ sở, đơn vị từ trung ương đến địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đảng, tính đến tháng 10/2015, đã có 2 bộ và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý ở cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương, kể cả cấp tổng cục.

Nhìn chung việc thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng ở một số địa phương bước đầu đã tạo được môi trường cạnh tranh, mở rộng phạm vi, đối tượng đăng ký dự tuyển; phát hiện, thu hút được những người có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác cán bộ, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ; đồng thời góp phần cung cấp các cứ liệu thực tiễn để có thể nghiên cứu rút kinh nghiệm, góp phần đổi mới phương thức tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng.

Việc đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý theo hình thức thi tuyển đang được xem là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện và thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, qua theo dõi, một số Bộ ngành, địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng chưa có sự thống nhất. Mỗi nơi một tiêu chí và cách tổ chức thi tuyển khác nhau. Có cơ quan, đơn vị không quy định đối tượng tham gia dự tuyển nằm trong diện quy hoạch; có những cơ quan, đơn vị lại mở rộng đối tượng tham gia dự tuyển đến các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp; hay lấy việc thi tuyển để thay thế cho toàn bộ quy trình tuyển chọn cán bộ hiện nay. Số ứng viên tham gia không nhiều, tâm lý e ngại, nếu không đỗ sẽ thế nào. Về các môn thi viết thì cũng tương tự như các môn thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức…

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 09/5/2017, Bộ Nội đã ban hành Hướng dẫn số 2424/BNV –CCVC về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. 

Đối tượng tham gia dự tuyển là những cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn. Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển được mở rộng như: Được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện đang giữ (Ví dụ: Phó Trưởng phòng có thể được dự tuyển chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương; Trưởng phòng có thể được dự tuyển chức danh Vụ trưởng và tương đương). Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có) theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển chọn.

Mở rộng đối tượng đề cử tham gia dự tuyển, là cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên), được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản. Nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ (Ví dụ: Phó Trưởng phòng chỉ được dự tuyển chức danh Trưởng phòng và tương đương; Trưởng phòng chỉ được dự tuyển chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương). Trường hợp không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 3 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc) và chỉ được đăng ký dự tuyển chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương.

Hội đồng thi tuyển được mở rộng các thành viên như: Chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng có không quá 11 thành viên; chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở có không quá 17 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định. Với các thành viên hội đồng như vậy được dư luận đánh giá cao về tính khách quan, minh bạch trong đánh giá và tuyển chọn.

Nội dung thi tuyển bao gồm thi viết và trình bày đề án. Đối với thi viết bao gồm, kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển... Về nội dung thi trình bày Đề án gồm: Đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn…

Thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương là đơn vị đầu trong các Ban Đảng chuẩn bị tổ chức thi tuyển lãnh đạo.

Để công tác thi tuyển đảm bảo khách quan, minh bạch, chất lượng, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành: Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương; Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương và ngày 12/6/2017, đã ban hành Kế hoạch thi tuyển vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ; Cơ sở đảng; Địa phương III.

Đây là bước khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề  khuyến khích các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm, có thể thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển.

Việc thi tuyển chức danh công chức lãnh đạo, quản lý không phải là vấn đề mới, nhưng đây là một cách làm mang tính đột phá trong công tác tuyển lãnh đạo giỏi, là tín hiệu đáng mừng, đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Hy vọng rằng, khi áp dụng hình thức thi tuyển này, sẽ giải quyết được vấn nạn “chạy chức” và tìm được người có năng lực thực sự; đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân về công tác cán bộ, tuyển chọn “người tài” chứ không tuyển “người nhà”./.

Minh Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực