Tiến sỹ trẻ ghi dấu ấn bằng những nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc giúp ích cho cộng đồng

Thứ ba, 20/03/2018 16:10
(ĐCSVN) - Ở tuổi 30, Vũ Bích Ngọc đã có trong tay tấm bằng tiến sỹ và hiện là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam.

Nếu như nhiều bạn trẻ mới ra trường đang còn loay hoay tìm kiếm, chọn cho mình một việc làm phù hợp thì ở tuổi 25, Vũ Bích Ngọc đã làm thư ký của đề tài khoa học cấp Nhà nước. Từ năm 2011 đến năm 2016, Ngọc đã có tên trong 4 đề tài như vậy.

Là nhà khoa học, nghiên cứu viên của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thế nhưng con đường nghiên cứu khoa học của cô gái sinh năm 1986 lại đến hết sức tình cờ.

Tiến sỹ Vũ Bích Ngọc (thứ hai từ trái qua) nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng năm 2017 - Ảnh: Bảo Linh

“Chính việc gặp thầy hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học, được thầy khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu, được trực tiếp tiến hành thí nghiệm ở phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, một cánh cửa khác của cuộc đời như mở toang trước mắt tôi bởi khi đó tôi chỉ nghĩ học xong đại học sẽ tìm công việc khác!”, Bích Ngọc chia sẻ.

Trước thực tế bệnh nhân đái tháo đường ngày càng tăng, Ngọc cùng cộng sự đã triển khai đề tài: "Nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh đái tháo đường bằng liệu pháp tế bào gốc, 2012-2016". Đây là đề tài độc lập cấp nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại xuất sắc.

“Triển khai đề tài này, đội ngũ các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu thiết lập quy trình điều trị đái tháo đường type 1&2 bằng liệu pháp cấy ghép các tế bào có khả năng sản xuất insulin”, nhà khoa học nói.

Hay như đề tài: "Nghiên cứu tái thiết lập chương trình trực tiếp in vitro và in vivo nguyên bào sợi chuột thành tế bào tiền thân giống nguyên bào mạch, 2014-2016" đã được nghiệm thu loại tốt, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy ứng dụng công nghệ tái thiết lập chương trình có thể kích hoạt được tế bào chức năng trực tiếp trở thành tế bào tạo mạch, giúp điều trị bệnh lý tắc nghẽn mạch máu chi.

Không thể không kể đến vai trò chủ nhiệm đề tài về tế bào gốc: "Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch (tế bào tua) để tiêu diệt tế bào ung thư vú, 2011-2015". Đề tài được nghiệm thu loại xuất sắc, theo đó đã phân lập và ứng dụng tế bào tua vào điều trị bệnh UTV in vitro và in vivo trên mô hình động vật.

Ở đề tài: "Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp, 2015-2017", Ngọc cho biết, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy ứng dụng công nghệ tái thiết lập chương trình có thể kích hoạt được tế bào chức năng trực tiếp trở thành tế bào tạo mạch, giúp điều trị bệnh lý tắc nghẽn mạch máu chi. Công nghệ này hứa hẹn tiềm năng to lớn trong điều trị các bệnh lý về mạch máu khác như đột quỵ, tai biến mạch máu não...

Là thành viên chính của đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh chủ trì: "Xây dựng mô hình tế bào gốc thần kinh để sàng lọc dược chất có tác động kích thích tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc thần kinh, 2011-2013", Ngọc đã có nhiều đóng góp  mở ra triển vọng cho việc điều trị bệnh lý thần kinh Azlheirmer và Parkinson là bệnh lý thoái hoá và cho tới hiện nay vẫn chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả.

Ở Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Ngọc là chủ nhiệm 1 đề tài, thành viên chính 4 đề tài, thư ký 01 đề tài trong đó có đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình tế bào gốc ung thư để sàng lọc các hợp chất có hoạt tính sinh học, định hướng cho nghiên cứu phát triển thuốc chống ung thư, 2015-2017" hiện đang tiến hành đánh giá tác động của các dược liệu Việt Nam trên các dòng tế bào gốc ung thư của người Việt được đánh giá rất cao.

Nói về đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm khớp háng nhân tạo toàn phần, 01/2014-12/2015", Ngọc cho biết, đề tài hướng đến thay thế khớp được cân nhắc như một phương pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân tổn thương khớp giúp tăng nguồn cung ứng, giảm giá thành cho bệnh nhân.

Say mê nghiên cứu, đặc biệt là hướng tới những đề tài có khả năng áp dụng vào thực tế, giúp cải thiện sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật cho người dân, Bích Ngọc cũng dành nhiều thời gian để viết hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc danh mục SCI, danh mục SCI–Expanded, là tác giả chính và đồng tác giả của nhiều chương sách và cuốn sách xuất bản quốc tế.

Được đánh giá là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam, Bích Ngọc cho hay, trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở nước ta, người nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất, nguyên vật liệu, kỹ thuật… rất hạn chế. Nhà khoa học này tự cảm thấy may mắn bởi trong quá trình nghiên cứu và có được thành công nhất định như ngày hôm nay, cô được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là có những cộng sự thật sự tâm huyết, cùng có niềm đam mê nghiên cứu đến cháy bỏng.

“Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng được Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện phát triển, không chỉ thể hiện ở các cơ chế, chính sách mà còn nhiều hỗ trợ thiết thực khác. Điều này đã tạo cho chúng tôi một động lực rất lớn để tiếp tục phát triển các nghiên cứu của mình phục vụ cho xã hội”, Bích Ngọc thổ lộ.

Với tài năng và những cống hiến trong lĩnh vực khoa học, năm 2017, tiến sỹ Vũ Bích Ngọc đã được ghi nhận bằng hai giải thưởng cao quý. Đó là giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng và sắp tới vào ngày 25/3, Ngọc sẽ cùng 9 cá nhân nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu./.

Bảo Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực