Cựu chiến binh nặng lòng với công tác từ thiện

Thứ ba, 27/06/2017 09:52
(ĐCSVN) - Mang trong mình vết thương chiến tranh, tuổi đã cao, sức yếu, nhưng người cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Chính - nữ thương binh phụ trách quân y Đại đội C53 ngày nào - luôn nỗ lực cống hiến không mệt mỏi cho những công việc thiện nguyện.

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Bà Chính chia sẻ với phóng viên về những kỷ niệm khi còn tham gia trong BCH Hội Chữ thập đỏ phường.
 (Ảnh: HM)

Trong căn nhà số 3, phố Xuân Diệu, Tây Hồ (Hà Nội), chúng tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Chính - người phụ nữ vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. 

Cũng như bao thanh niên khác, khi đất nước có giặc ngoại xâm, cô gái Nguyễn Thị Kim Chính đã cùng anh trai đăng ký lên đường nhập ngũ khi mới 15 tuổi. Trong chiến dịch Lê Hồng Phong, bà bị thương nặng phải điều trị 6 tháng, sau đó, bà tiếp tục tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Do điều kiện sức khỏe, bà được điều chuyển về công tác tại Bộ Tổng tham mưu, phụ trách quân y tại Đại đội C53. Một thời gian sau, do điều kiện sức khỏe yếu, bà về nghỉ hưu.

Khi trở về địa phương, bà tiếp tục đóng góp cho xã hội qua công tác thiện nguyện. Bà đã tham gia hai khóa cấp ủy và hội đồng nhân dân, là ủy viên Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ phường Nam Đồng hơn 20 năm. Trong quá trình công tác, hình ảnh những đứa con của đồng đội không may mắn bị nhiễm chất độc da cam khiến bà thấy đau; hình ảnh những đồng đội một thời tham gia kháng chiến nhưng ở thời bình vẫn phải sống trong những căn nhà nhỏ, thiếu thốn trăm bề khiến bà không đành lòng. Chính vì lẽ đó, bà không ngần ngại trao tặng tất cả số tiền chế độ thương binh đã dành dụm được để giúp đỡ họ. “Họ cũng là đồng đội của tôi. Hoàn cảnh sống của nhiều người còn khó khăn quá. Tuy tôi không giúp được nhiều, nhưng mỗi lần dù chỉ làm được một việc nhỏ, tôi cũng cảm thấy tâm mình thanh thản” - bà Chính bộc bạch.

Với bà Chính, nghĩ tới những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, bà lại có thêm sức mạnh, thêm niềm động viên. Nhớ lại những ngày tháng đó, trong mắt bà ánh lên niềm xúc động. Bà chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là khi chồng tôi có lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Khi đó, Bác gặp tôi và một chị nữa là những người phụ nữ gia đình có đông con đến và hỏi thăm. Giờ nhớ lại cũng đã mấy chục năm rồi mà tôi cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Ai được gặp Bác một lần cũng cảm thấy hãnh diện. Bác như ông “tiên” vậy! Bác lo cho chúng tôi - những người phụ nữ thời chiến một mình lo toan gánh nặng gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ ngoài chiến trường. Bác yêu thương mọi người như chính con mình”.

Chính những lời căn dặn cùng những việc làm của Bác khiến bà luôn cố gắng học tập, rèn luyện. Đối với bà Chính, học Bác thì có nhiều điều để học lắm. Đức tính tiết kiệm mà bà có được chính là từ việc học và làm theo phong cách của Người. Dù về hưu nhiều năm nay nhưng hằng tháng, bà vẫn trích một phần tiền chế độ thương binh (880.000 đồng) để dành tặng cho những trẻ bị chất độc màu da cam hay những gia đình cựu chiến binh nghèo của phường, quận. Mới đây, bà đã dành trọn một năm tiền thương binh để ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" quận Tây Hồ.

Chữa bệnh cứu người

Đồng chí Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ tiếp nhận số tiền
 bà Chính ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của quận. (Ảnh: NVCC)

Từng phụ trách công tác quân y tại chiến trường, nhưng bà không ngờ mình lại bị mắc căn bệnh ung thư ở tuổi 48. Khi biết kết quả, mọi người trong gia đình đều lo lắng, nhưng bà vẫn lạc quan, bà bảo: "Tôi đã hai lần chết hụt trên chiến trường, chẳng lẽ giữa thời y học phát triển tôi lại chết dễ dàng thế".

Nhờ có bác sĩ Tôn Thất Tùng giới thiệu cho bà dùng bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung kết hợp với các giải pháp điều trị từ Tây y, sau 20 năm bà đi kiểm tra thì không còn tế bào ung thư. Từ việc chữa bệnh của bản thân, bà đã bỏ nhiều công sức đi tìm giống cây trinh nữ hoàng cung từ đất nước Thái Lan về trồng và chăm sóc với mong muốn sẽ cứu giúp được nhiều bệnh nhân bị ung thư. Tuổi đã cao, việc đi lại khó khăn hơn do vết thương chiến tranh để lại, nhưng niềm vui của bà Chính là mỗi ngày được chăm sóc vườn trinh nữ hoàng cung. Bà cho biết, đến nay bà đã giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân bị ung thư được sử dụng bài thuốc do chính bà chuẩn bị.

“Những mảnh đời cơ cực sau ngày giải phóng luôn là động lực để tôi vượt qua bệnh tật, tuổi già làm công việc trả ơn cuộc đời. Tôi tự hào vì tôi và chồng tôi đều là những người góp một chút công sức vào thắng lợi của đất nước. Ở tuổi gần đất xa trời như tôi, được chứng kiến đủ cả những đau thương trong chiến tranh cũng như những hạnh phúc ngày giải phóng, là người con của nước Việt, tôi luôn cảm thấy tự hào. Hiện các con tôi đều có cuộc sống tốt, các cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Với tôi, như vậy là đã mãn nguyện”.

"Một điều tôi luôn canh cánh trong lòng là hiện còn nhiều thương, bệnh binh đã cống hiến những năm tháng tuổi xuân gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc, nhưng đến nay cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, nhất là những gia đình có con bị nhiễm chất độc da cam. Họ rất cần sự chung tay giúp sức của xã hội. Tôi mong muốn thời gian tới, Đảng và Nhà nước có thêm những chính sách giúp đỡ cho các thương, bệnh binh có cơ hội được cải thiện cuộc sống của mình." - bà Chính trải lòng.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết: Cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Chính đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Chiến tranh qua đi, bà trở về mang trên mình những vết thương, cơ thể không còn được khỏe mạnh nhưng vẫn luôn nỗ lực không ngừng trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Nhiều năm công tác trong Hội chữ thập đỏ của phường, bà đã tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại quận Tây Hồ. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ, cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Chính đã ủng hộ một năm chế độ thương binh của mình để đóng góp vào Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của Quận".

Với những cống hiến và việc làm có ý nghĩa, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ 27/7, cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Chính  là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được Quận ủy Tây Hồ đề xuất Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực