Trở lại miền quê nơi căn “bệnh lạ” đi qua

Thứ sáu, 10/08/2018 10:05
(ĐCSVN) – Những ngày đầu tháng tám này, chúng tôi có dịp về thăm huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là huyện miền núi còn nhiều khó khăn; đặc biệt nơi đây từng được biết đến là “thủ phủ” của căn bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người còn gọi là “bệnh lạ"...

Trở lại thôn Làng Rêu

Từ trung tâm huyện Ba Tơ, chúng tôi vượt hơn 60 km đường theo Quốc lộ 24, sau đó rẽ vào Tỉnh lộ 624 để về thôn Làng Rêu, xã Ba Điền.

Thôn Làng Rêu, một trong 3 thôn của xã Ba Điền từng bùng phát căn bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người còn gọi là “bệnh lạ” và đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Đường về thôn Làng Rêu (xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi)

Thôn Làng Rêu hiện ra trước mắt chúng tôi với nhiều thay đổi đáng mừng. Con đường bê tông từ trung tâm xã về thôn rộng 6 m được đầu tư khang trang. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới vừa xây xong bên những chân ruộng lúa nước nặng trĩu bông cùng những đồi keo đang sắp vào vụ thu hoạch.

Thoáng qua không ai có thể nghĩ rằng, nơi đây đã từng bị cô lập bởi căn “bệnh lạ”, chỉ có các thầy thuốc cùng chính quyền địa phương và người nhà bệnh nhân lui tới.

Ngay đầu thôn là cây cầu treo dân sinh được xã Ba Điền xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 01 năm qua với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng, giúp người dân thôn Làng Rêu đi lại dễ dàng, nhất là vào mùa mưa khi con suối Nước Nẻ đầy hung giữ.

Theo chân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Điền Phạm Văn Oa và Trưởng thôn Làng Rêu Phạm Văn Đố, chúng tôi vào thăm gia đình bà Phạm Thị Su (55 tuổi, dân tộc H’Re). Bà Su trên tay đang ẵm đứa cháu mới hơn 02 tuổi và cạnh bà là cháu Phạm Thị Thu Hạ (9 tuổi) vui vẻ đón tiếp chúng tôi.

Khi biết mục đích chuyến thăm này của chúng tôi là muốn tìm hiểu, thăm hỏi về gia đình bà - một trong những gia đình có người nhà bị “bệnh lạ” gây chết người, bà Su bùi ngùi nhớ lại: “Con gái mình là Phạm Thị Phìn. Năm 2012 nó mới 25 tuổi nhưng căn bệnh quái ác kia đã cướp lấy mạng sống của nó. Nó chết rồi, để lại đưa cháu cho vợ chồng mình nuôi đến hôm nay đây”- bà Su nói và chỉ về bé Hạ đang ngồi bên cạnh.

Rồi bà tiếp: “Ở thôn Làng Rêu này, nhiều người bị “bệnh lạ” mang đi lắm. Nhưng đến nay đã một thời gian dài, có nhiều đoàn bác sỹ đến tìm hiểu, khám bệnh nhưng dân làng vẫn chưa biết được lý do mà bệnh tìm đến với nhiều nhà. Vì thế nên không biết sau này bệnh có đến nữa không? Chúng tôi lo lắm”.

Ánh mắt buồn xa xăm của bà Su khi nhớ về
cô con gái của mình là chị Phìn bị mắc "bệnh lạ" và chết vào năm 2012

Tiếp lời bà Su, Trưởng thôn Làng Rêu Phạm Văn Đố cho biết: “Bệnh này nghe các bác sỹ nói là do ăn gạo mốc mà gây nên. Nhưng một mâm cơm cả nhà có 5 người, 6 người ăn sao lại có một hoặc hai người bị bệnh? Cả thôn và xã hiện rất mong sớm nhận được thông tin từ ngành chức năng kết luận về lý do gây ra bệnh này, cũng như có hay không việc lây bệnh từ người này sang người khác?”.

Để trả lời câu hỏi của chúng tôi, ở đây có ai đã bị bệnh mà không chết không?, đồng chí Phạm Văn Oa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Điền dẫn chúng tôi sang nhà vợ chồng ông Phạm Văn Nga (sinh 1973) và bà Phạm Thị Tre (sinh năm 1974) và giới thiệu: “Cả hai vợ chồng này đều bị bệnh nhưng may mắn không chết”.

Không đợi chúng tôi phải hỏi, ông Nga nói ngay: “Bệnh nó đến với bà nhà tôi trước, sau đó chưa đầy một tuần nó cũng tìm đến tôi. Triệu chứng chung là khi mắc bệnh, nhiều vùng da trên cơ thể bị đổi sang màu đỏ nhẹ, mắt mờ, tai điếc, người rất mệt…Cả hai vợ chồng tôi được đưa vào bệnh viện Quy Nhơn để chữa trị. Bây giờ dù bệnh đã qua nhưng mắt vẫn còn mờ, sức khỏe giảm sút nhiều….”.

Chia sẻ thêm thông tin với chúng tôi, Trưởng thôn Phạm Văn Đố cho biết, vào thời điểm “bệnh lạ” bùng phát trong thôn, đó là vào cuối năm 2011 đầu năm 2012 và đầu năm 2013 - 2014, người dân trong thôn rất lo sợ, vì gần như mỗi ngày đều có người chết cả. “May mà sau đó, chính quyền và ngành y tế vào cuộc để khám chữa bệnh, giúp người dân phòng chống bệnh như: ăn ở hợp vệ sinh (ăn chín uống sôi); chuồng trâu bò, vật nuôi phải làm xa nhà; đường làng, ngõ xóm thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ; ai thấy không khỏe đều được ra trạm Y tế xã để khám và cấp thuốc chữa bệnh; nhiều đoàn từ thiện và các cấp, các ngành đến hỗ trợ gạo, nước sạch, mùng mền chiếu gối, thuốc bổ…. Những gia đình kinh tế khó khăn được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vay vốn ưu đãi để phát triển minh tế nên đời sống người dân trong thôn hiện không còn khó khăn như trước nữa”- Trưởng thôn Làng Rêu Phạm Văn Đố chia sẻ thêm.

“Bệnh lạ” không lây từ người sang người

Đây là khẳng định của bác sỹ Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ khi trao đổi với chúng tôi về căn “bệnh lạ” này.

“Từ khi bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người còn gọi là “bệnh lạ” này xuất hiện ở huyện Ba Tơ chúng tôi vào năm 2011, đến nay đã có đến 63 đoàn từ Trung ương đến địa phương gồm các bộ, cục, viện, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, các trung tâm chuyên khoa và cả hệ thống chính trị vào cuộc để khảo sát (lấy mẫu máu, tóc, da, đất, nước, các loại rau, lúa, gạo, bắp, thuốc trừ sâu… để xét nghiệm), hỗ trợ, nghiên cứu, can thiệp, chỉ đạo với hơn 3.700 người về Ba Tơ, đặc biệt là xã Ba Điền nhưng đến nay, kết luận về nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa có”- bác sỹ Phượng cho biết.

Được sự hỗ trợ của xã hội, hiện nay người dân thôn Làng Rêu
đã có cuộc sống tốt hơn, môi trường sống cũng sạch sẽ, khang trang hơn

Tuy nhiên, bác sỹ Phượng cũng khẳng định, dù vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, song thời gian qua, sau khi các ngành chức năng và các cấp chính quyền vào cuộc, đến nay đã một thời gian dài nhưng căn bệnh này vẫn không quay lại. Hơn nữa, ngoài được tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch bệnh, người dân cũng thường xuyên được ngành Y tế và chính quyền địa phương, các đoàn từ thiện về chia sẻ, động viên, thăm hỏi, khám chữa bệnh, cấp thuốc, bổ sung thuốc bổ, các loại thực phẩm dinh dưỡng cũng như phun hóa chất phun để khử trùng…. và tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, cấp gạo, kinh phí mua thuốc men, trang thiết bị chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh … Nhờ đó đến nay, “bệnh lạ” đã tạm được khống chế; người dân có phần an tâm hơn để lao động, sản xuất.

Riêng với ngành Y tế địa phương, ngoài việc tuyên truyền những thông tin cần thiết cho người dân, chúng tôi cũng khẳng định với đồng bào là bệnh này không lây lan từ người sang người. Bởi nếu lây thì chính các bác sỹ hằng ngày khi đến với bà con cùng ăn, cùng ở, cùng tìm cách chữa bệnh cho đồng bào thì họ (các bác sỹ chúng tôi) đã bị mắc bệnh rồi”- bác sỹ Đặng Thị Phượng chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, từ tháng 4/2011 đến trước tháng 12/2017, toàn huyện có 06 xã gồm: Ba Điền, Ba Xa, Ba Vinh, Ba Tô, Ba Ngạch và Ba Nam có bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người còn gọi là “bệnh lạ” với tổng số mắc bệnh là 223 ca, trong đó có 14 người chết. Từ tháng 12/2017 đến 2/2018, trên địa bàn huyện xuất hiện thêm 05 ca bệnh mới (trong đó xã Ba Ngọc 03 ca, xã Ba Nam 02 ca), nâng tổng số mắc bệnh này lên 228 ca. Rất may cả 05 ca sau này đã được chữa trị khỏi. Từ tháng 2/2018 đến nay, tại Ba Tơ không xuất hiện thêm ca bệnh mới cũng như tái phát bệnh. Mặc dù vậy, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ vẫn đang duy trì thực hiện thường xuyên các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, duy trì tổ chức khám sàng lọc bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và phun hóa chất xử lý môi trường tại tất cả các xã đã phát sinh bệnh./. 

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực