TP. Hồ Chí Minh nắng nóng sẽ kéo dài tới hết tuần

Thứ hai, 22/04/2019 16:41
(ĐCSVN) – Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin nắng nóng sẽ tiếp tục mở rộng và kéo dài đến hết tuần này. Những ngày này, nhiệt độ tại TP. Hồ Chí Minh đang phổ biến 35-38 độ C.

Theo các chuyên gia, sau Tết Nguyên đán thường là thời kỳ cao điểm mùa khô. Các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP.Hồ Chí Minh, nằm ở dưới tầng thấp có áp cao lạnh lục địa cực đới hoạt động không quá mạnh và thường lệch sang phía đông; trên áp cao cận nhiệt đới. Đây là trường phân kỳ gió làm cho bầu trời ban ngày ít mây, nắng nhiều và kéo dài trong ngày. Trong mùa khô năm nay, nắng nóng đặc biệt còn gay gắt hơn những năm trước. Theo thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, nhiệt độ các tỉnh Đông Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-2,2 độ C, các tỉnh Tây Nam Bộ thì cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-1,7 độ C.

Thời tiết nắng nóng khi phải ra ngoài, người dân nên có biện pháp tránh nắng hiệu quả

Theo thông tin từ trang Weather Online (Anh), ngày hôm nay (22/4) và 3 ngày tới (23-25/4) chỉ số tia cực tím (UV) tại TP. Hồ Chí Minh đều ở mức rất cao là 12. Chỉ số UV ở mức 12 được đánh giá là mức "nguy hiểm cực độ" cho da. Các bác sĩ cảnh báo tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ bỏng da nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia cực tím cũng gây tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Các nguy cơ do ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt sẽ được cộng dồn, tích lũy dần trong suốt cuộc đời nên cần bảo vệ tối đa từ khi còn nhỏ, tránh các bệnh khởi phát sau này. Ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-15h.

Nắng nóng khiến cho mọi sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng đồng thời, số người mắc bệnh, nhập viện tương đối cao, trong đó, đặc biệt là trẻ em và người già.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ tháng 3 tới nay, số trẻ tới khám và điều trị tại bệnh viện khá cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ gần 4.000 ca tới gần 7.000 ca. Tỷ lệ nhập viện mỗi ngày khoảng 5-7% số bệnh nhân tới khám ngoại trú. Hiện số lượng bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp đang đứng đầu tại bệnh viện. Theo bác sĩ Thu, nắng nóng và tia cực tím khiến sức đề kháng của trẻ em giảm. Tình trạng thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao khiến thực phẩm dễ ôi thiu gây bệnh tiêu hóa.

Nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu gia tăng số bệnh nhân lớn tuổi nhập viện. Trong đó, hầu hết người bệnh lớn tuổi khám tại bệnh viện mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, tăng huyết áp, tim mạch, sốc nhiệt, các bệnh lý về khớp.

Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường. Nắng nóng làm con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nên uống nước trước khi cảm thấy khát để tránh mất nước; ăn uống đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Người trên 65 tuổi và trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực