Tốc độ già hóa dân số Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới

Thứ năm, 17/01/2019 20:11
(ĐCSVN) - Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo hạ tầng và an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng.


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Kim Thanh)

Đây là vấn đề được các đại biểu bàn luận tại Hội thảo “Công tác xã hội thích ứng với bối cảnh già hóa dân số” do Tạp chí Lao động Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 17/1 tại Hải Dương.

Tốc độ già hóa dân số nhanh

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của nước ta đã tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó, có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

Trao đổi thêm về tốc độ già hóa dân số, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra con số: năm 2017, trên thế giới cứ 8 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, còn ở Việt Nam cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Nhưng dự báo, đến năm 2030, khi trên thế giới cứ 6 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì ở Việt Nam cũng cứ 6 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Thậm chí, dự báo đến năm 2050, khi thế giới cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì ở Việt Nam cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người).

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh thêm, dự báo người cao tuổi già (75+) sẽ tăng gấp đôi, đạt 5 triệu người vào năm 2035. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bà cũng đưa ra dự báo, trong khoảng thời gian đến 2035, tỷ lệ nữ trong dân số cao tuổi và trong nhóm người cao tuổi già ở Việt Nam cao nhất trong các nước ASEAN. Điều này cần được quan tâm đặc biệt, bởi phụ nữ lớn tuổi dễ bị tổn thương hơn: đối mặt với phân biệt giới tính nhiều hơn; phụ thuộc nhiều hơn về mặt tài chính; có tỷ lệ bệnh tật và khuyết tật cao hơn...

Thách thức với nghề công tác xã hội

Theo các chuyên gia, cùng với quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội nói chung và hệ thống chăm sóc người cao tuổi nói riêng.

Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2016 (Bộ Y tế và Nhóm đối tác y tế, 2018) cho thấy, nhiều người cao tuổi sống cùng bệnh tật trong một thời gian lâu dài, dẫn đến tăng những khó khăn về chức năng thể chất, trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày và trong các hoạt động hỗ trợ cuộc sống hằng ngày. Khoảng 54,6% người khuyết tật là người từ 60 tuổi trở lên và hơn hai phần ba người cao tuổi gặp ít nhất một khó khăn về vận động (phổ biến là ngồi hoặc ngồi xổm, bước lên hoặc xuống cầu thang, đứng dậy khi đang ngồi), và gần 38% người cao tuổi gặp ít nhất một khó khăn trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày, lên hơn 50% ở nhóm 80 tuổi trở lên. Dự báo cho thấy, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi cần chăm sóc do bị ảnh hưởng bởi ít nhất một chức năng thể chất hoặc tinh thần sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên tới hơn 10 triệu người vào năm 2049, trong đó tỷ lệ người ở độ tuổi cao (từ 80 trở lên) chiếm tỷ trọng trong số người cần chăm sóc càng lớn.  

Cũng theo các thống kê, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Số người cao tuổi có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Hiện nay, khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

Những con số trên cho thấy, nhu cầu cần được chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi hiện tại cũng như tương lai ngày càng lớn. Nếu không có sự đầu tư cho hệ thống chăm sóc ngay từ bây giờ, các vấn đề già hóa dân số sẽ là gánh nặng cho kinh tế và xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Thế nhưng, hiện ngành CTXH với các loạt hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn thiếu và yếu. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh bày tỏ lo ngại, Việt Nam mới đảm bảo chính sách xã hội cho người cao tuổi cô đơn trong Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão (418 cơ sở), tổng cộng nuôi dưỡng hơn 10.000 người  cao tuổi.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhìn nhận, phần lớn các chính sách đối với người cao tuổi hiện mới chỉ chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ, còn hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi (với sự tham gia) của người cao tuổi còn mang tính phong trào. Các yếu tố, điều kiện cho sự phát triển ngành CTXH chuyên nghiệp còn thiếu như khung pháp lý, các phương pháp khoa học, đội ngũ CTXH nòng cốt, nguồn nhân lực cho mạng lưới CTXH…

Để ứng phó với già hóa dân số, các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và hoàn thiện các chương trình cung ứng dịch vụ CTXH trong chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết nhằm đảm bảo an sinh và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.

Theo đó, cần thực hiện các giải pháp hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống quản lý cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội, công tác xã hội với người cao tuổi. Tăng cường hợp tác công tư, điều phối liên ngành, cải thiện hệ thống chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, dựa vào cộng đồng.

Mặt khác, đa dạng hóa mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, chuyên nghiệp và phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng và gắn kết với cơ sở trợ giúp xã hội tại một số tỉnh.

Ngoài ra, phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chăm sóc xã hội và công tác xã hội với người cao tuổi có tính chuyên nghiệp (kỹ năng, kiến thức, thái độ), đáp ứng nhu cầu cơ bản của người cao tuổi./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực