Thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Thứ hai, 23/07/2018 09:36
(ĐCSVN) - Trong 5 năm qua, bằng quyết tâm, trách nhiệm cao, ngành Chính sách Quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị trao quà của Bộ Quốc phòng
tặng các đại biểu 
 người có công với cách mạng tỉnh Nam Định. Ảnh:http://chinhsachquandoi.gov.vn

Theo đó, Ngành Chính sách Quân đội và Cục Chính sách đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội nghiên cứu đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, nghị định, quyết định nhằm đảm bảo chế độ, chính sách đối với người có công; chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành các chỉ thị, quyết định và thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng thuộc phạm vi, trách nhiệm; cơ quan, đơn vị ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa nội dung các quy định…

Đề xuất cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt và tập huấn các văn bản quy định về chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đầy đủ cho mọi đối tượng; tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện của từng loại hình cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp… qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chính sách trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở các cấp trong Quân đội. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình lập chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tăng số lượng bài viết, thời lượng phát sóng các chương trình về pháp luật, chính sách và kết quả tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, các lực lượng; qua đó, tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận của xã hội, nhân dân và đối tượng chính sách trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. 

Các cơ quan, đơn vị Quân đội cũng đã tích cực xét duyệt, thẩm định, xác nhận cho gần 5.000 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó: Hơn 300 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; gần 500 liệt sĩ; gần 2.500 thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 1.200 người bị địch bắt tù đày; gần 650 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình, đúng đối tượng. Nhiều trường hợp đơn thư kiến nghị, khiếu nại tồn đọng kéo dài hàng chục năm được xem xét giải quyết tích cực, được đối tượng và nhân dân đánh giá cao. Thực hiện tốt công tác quản lý và thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong Quân đội; 5 năm qua, đã tổ chức chi trả cho 12.322 lượt người có công với cách mạng với số tiền trên 231 tỷ đồng, bảo đảm chu đáo, kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Cùng với đó, tích cực triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, như: Vận động cung cấp và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và ở Lào, Campuchia. Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập hơn 11.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước gần 5.100 hài cốt; ngoài nước hơn 6.400 hài cốt). Cùng với đó, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế; bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí, trang bị, phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tích cực triển khai thực hiện Đề án 150 về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, truyền thống Quân đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác chăm sóc gia đình người có công với cách mạng. Đồng thời có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn quân, đạt kết quả thiết thực, như: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 176 tỷ đồng; xây tặng hơn 6.400 nhà tình nghĩa; tặng 5.479 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 13 tỷ đồng; tặng phương tiện, trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh và Trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng, với số tiền hơn 71 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.820 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; giải quyết việc làm cho vợ, con liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và con thương, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại các Trung tâm; đỡ đầu Làng Hữu nghị thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Việt Nam; thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí đối với hàng vạn đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. 

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý và trách nhiệm trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định về thủ tục, quy trình xác lập, xét duyệt và thẩm định hồ sơ người có công với cách mạng ở tất cả các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại các cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, xử lý những vướng mắc nảy sinh. Phối hợp tổ chức thanh tra trên 65 nghìn hồ sơ thương binh ở các Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xác lập từ năm 1998 đến năm 2012; phát hiện và kiên quyết xử lý sai phạm trong việc thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng./. 

Đại tá Đặng Danh Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực