Thúc đẩy thực thi quyền của người khuyết tật trong tiếp cận và sử dụng công trình xây dựng

Thứ năm, 09/08/2018 16:35
(ĐCSVN) – Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT), hiện nay Việt Nam có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Để giúp họ sống tự lập, thạm gia đầy đủ và bình đẳng trong xã hội, thì việc loại bỏ những trở ngại đối với họ trong các tòa nhà, công trình công cộng là một yêu cầu bắt buộc tuân thủ.

 


Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BL

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học Thúc đẩy thực thi quyền của người khuyết tật (NKT) trong tiếp cận và sử dụng công trình xây dựng.

Phát  biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Việt Nam có truyền thống nhân văn, luôn quan tâm đến những người dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có người khuyết tật. Với nhiều nguyên nhân khác nhau như do di chứng của chiến tranh, tai nạn lao động, NKT đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, có thể coi tình trạng NKT là một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là vấn đề y tế.

Để giúp NKT sống tự lập tham gia đầy đủ và bình đẳng vào mọi mặt của xã hội, thì việc loại bỏ các trở ngại và rào cản đối với NKT trong các tòa nhà cao tầng, các công trình giao thông, trường học, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan công sở…là yêu cầu bắt buộc.

Theo TS. Phạm Hòa Chung, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, tiếp cận giao thông là một trong những cầu nối giúp NKT có thể hòa nhập với cộng đồng và là một trong những phương diện đánh giá thể hiện quyền bình đẳng của NKT trong xã hội.

Mặc dù các công trình tại Việt Nam nhiều năm nay đã được cải tạo. Tuy nhiên, một số công trình chưa đồng bộ giữa các hạng mục; một số công trình tuy bổ sung đường tiếp cận nhưng các hạng mục khác như cầu thang, nhà vệ sinh…chưa được cải tạo khiến NKT không thể sử dụng. Bên cạnh đó, việc xây dựng cải tạo các công trình cũng chưa hoàn thiện đầy đủ, chưa đảm bảo tiếp cận tới mọi đối tượng là NKT; vỉa hè tại các khu vực tập trung đông dân cư thường hay bị lấn chiếm, gây khó khăn đi lại cho NKT…

Bởi vậy, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực để xây dựng và cải tạo các công trình giao thông đảm bảo tiếp cận NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Bộ Xây dựng đã ban hành một Bộ quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT từ năm 2002, nhưng thực tế triển thực hiện chưa đúng như trong quy định.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng cũng là một nguyên nhân khiến NKT phải từ bỏ những mong muốn hòa nhập và vươn lên trong xã hội. Mong muốn chung của NKT là các chủ công trình, cơ quan quản lý công trình công cộng khi tiến hành xây dựng phải tuân thủ các nội dung của Bộ Xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT.

Bên cạnh đó, thực trạng về tiếp cận công trình công cộng đang là một trong những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật. Mặc dù Luật cũng như các văn bản liên quan đều nêu ra lộ trình cho việc tiếp cận những công trình này trong tương lai. Tuy nhiên thực tế còn nhiều khó khăn diễn ra từ nhiều năm nay. Điều này có nhiều nguyên nhân như nhận thức của một số cơ quan chức năng và người dân còn chưa đầy đủ về quyền của NKT trong tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng.

Bởi vậy, để khắc phục điều này, các cơ quan chức năng cần tăng cường chính sách hỗ trợ tiếp cận, xã hội hóa và xây dựng; nâng cao nhận thức với chủ thầu xây dựng, kiến trúc sư đảm bảo việc đi lại và công trình. Với những công trình xây dựng cũ chưa có công trình hỗ trợ cho NKT, cần phải vận động chủ công trình nhận thức từ đó sửa chữa và bảo đảm cho NKT trong đi lại./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực