Thanh Hóa phát huy sức mạnh cộng đồng trong hỗ trợ người nghiện ma tuý

Thứ sáu, 18/08/2017 14:48
(ĐCSVN) - Là một trong những địa phương có số người nghiện ma tuý khá cao, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng việc phát huy sức mạnh của cộng đồng xã hội trong hỗ trợ người nghiện ma tuý. Chủ trương đúng đắn này đã dần khẳng định hiệu quả trong thực tiễn…
Hỗ trợ cai nghiện bằng Methadone cho người nghiện ma tuý ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: MC

Theo số liệu điều tra, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.911 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó, Chi cục đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thông qua hơn 30 hội nghị lồng ghép triển khai nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ người nghiện ma tuý. Hơn 1.000 cán bộ cấp xã, xóm trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn nâng cao năng lực dự phòng và điều trị nghiện ma túy. Ngành Y tế tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ xác định tình trạng nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ y tế các cơ sở của 27 huyện, thị xã, thành phố.

Cùng với đó, để chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên yêu cầu các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền sâu rộng về tác hại của các loại ma túy; chủ trương, chính sách của Chính phủ về công tác cai nghiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy. Các ngành liên quan như công an, bộ đội biên phòng tổ chức lực lượng, lập phương án đấu tranh triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trên tuyến biên giới, mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, triệt xóa cho được các tụ điểm phức tạp; Sở LĐ,TB&XH phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các hoạt động tư vấn cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, thống kê, phân loại người nghiện ma túy để quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời giúp đỡ những người sau cai nghiện để họ vươn lên trong cuộc sống.

Một điểm nổi bật trong hỗ trợ người nghiện ma tuý ở tỉnh Thanh Hóa thời gian vừa qua đó là cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã tích cực khắc phục khó khăn để giúp người nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Cụ thể, Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ về "Tín dụng đối với gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương” đã được triển khai có hiệu quả trên cơ sở điều kiện, đặc điểm của từng huyện, thị xã, thanh phố. Hiện nay, toàn tỉnh có hàng chục hộ người sau cai nghiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn phát triển sản xuất. Với số vốn được vay bình quân từ 30 - 40 triệu đồng/hộ, các hộ tập trung phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, sản xuất đồ mộc… Qua đó, giúp người sau cai nghiện từng bước ổn định đời sống và thêm quyết tâm “đoạn tuyệt” với ma tuý.

Tìm hiểu được biết, do người nghiện trong độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ cao, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về tác hại của ma túy để thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội và để cộng đồng chia sẻ, không phân biệt, kỳ thị, đối xử với những thanh, thiếu niên chậm tiến, nhất là những thanh niên mới được mãn hạn tù trở về địa phương. Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật cũng được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai thường xuyên, liên tục và hiệu quả. 100% cơ sở đoàn đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật; thăm hỏi, động viên, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của gia đình và thanh niên sau khi ra tù, giúp họ xóa bỏ mặc cảm và giới thiệu việc làm phù hợp để họ có thể tự trang trải cuộc sống và không tái phạm trở lại...

Xác định tạo việc làm, tạo thu nhập chính là “chìa khoá” giúp người nghiện ma tuý, thanh niên chậm tiến vươn lên hòa nhập cộng đồng, các cấp bộ Đoàn còn xây dựng kế hoạch tìm hiểu nhu cầu việc làm của người nghiện sau cai, thanh niên chậm tiến để định hướng giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống... Với những việc làm thiết thực, 6 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 12.000 lượt đoàn viên, thanh niên được tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã triển khai gần 20 đợt gặp gỡ tư vấn, 5 diễn đàn “Thắp sáng ước mơ thanh niên hoàn lương”, hỗ trợ, giúp đỡ được gần 400 thanh niên chậm tiến; đồng thời duy trì có hiệu quả nhiều mô hình hoạt động như "Nhà trường an toàn không có ma túy”, Câu lạc bộ Đồng Đẳng, Câu lạc bộ hỗ trợ sau cai nghiện, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS… Trong đó, tiêu biểu là các mô hình: Quân dân y cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội tại các xã biên giới của huyện Mường Lát; mô hình cai nghiện tại cộng đồng ở huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa; Câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Theo đồng chí Vũ Đình Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Thanh Hóa, cảm hóa, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, cần một quá trình lâu dài với quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Để công tác này đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc tăng cường phát hiện, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy cần coi trọng công tác quản lý người nghiện ma túy, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, đặc biệt là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; triển khai các chính sách về dạy nghề tạo việc làm giúp người nghiện ma túy có cơ hội tìm việc làm, tự lập xây dựng cuộc sống. Đồng thời, các gia đình cần quan tâm, nhắc nhở, động viên để con em mình không sống cách biệt và không tái phạm trở lại.

Có thể thấy, với việc phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma tuý ở tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ trực tiếp giúp người nghiện, việc phát huy sức mạnh cộng đồng còn là cơ sở để các địa phương ở Thanh Hóa từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân./.

 
Phạm Mạnh Cường (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực