Tăng cường các giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam

Thứ tư, 19/09/2018 20:42
(ĐCSVN) - Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, cần rà soát tất cả các luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên để điều chỉnh. Về nhân sự, cần đào tạo về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu cho tất cả cán bộ phòng chống thiên tai cấp tỉnh, huyện,…

Đó là ý kiến được một số đại biểu đưa ra tại Hội thảo tham vấn thành lập đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 19/9, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, những năm gần đây, thiên tai ở Việt Nam diễn ra với xu hướng ngày càng bất thường, đặc biệt là mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong bối cảnh đó, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công khoa học công nghệ trong phòng chống lũ, quản lý sạt lở ven biển, chuyển đổi hiệu quả sinh kế để thích ứng với thiên tai…Vì vậy, Việt Nam mong muốn học hỏi cũng như nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các nước quốc tế để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện nay, tại Việt Nam, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, với sự xuất hiện của 20/21 loại hình, có xu thế gia tăng cả về tần suất, phạm vi cũng như mức độ nguy hiểm. Trong đó, biến đổi khí hậu gây nên sự gia tăng về nhiệt độ và lượng mưa, làm diễn biến thiên tai nói chung và lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng ngày càng cực đoan và có xu thế ngày càng lớn hơn. Phát triển kinh tế xã hội diễn ra rất mạnh mẽ nhưng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai và phục vụ phòng chống thiên tai chưa đồng bộ như: rừng phòng hộ đầu nguồn giảm, xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn, khai thác cát sỏi ở lòng sông hoặc chưa quan tâm đúng mức phát triển cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 về cơ bản chủ động phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhà nước và người dân, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai. Đến năm 2050, ứng phó kịp thời với mọi thảm họa về thiên tai, phục hồi, tái thiết nhanh, bền vững, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp cần quan tâm, chú trọng gồm: hoàn thiện thể chế, công tác quản lý nhà nước và đảm bảo thực thi pháp luật. Trong đó, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, các luật có liên quan đến phòng chống thiên tai, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về phòng chống thiên tai, nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về phòng chống thiên tai. Cùng với đó, tăng cường nhận thức, hiểu biết, tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng chống thiên tai. Lưu trữ và chia sẻ có hệ thống các thông tin về thiên tai, tăng cường sự gắn kết cộng đồng, xây dựng văn hóa phòng chống thiên tai cấp cơ sở, làng, xã, thôn, bản.

Qua đánh giá khoảng trống năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam dưới lăng kính trẻ em, một số đại biểu cho rằng, cần rà soát tất cả các luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên để điều chỉnh. Đồng thời, cần giải thích rõ cơ chế phòng chống thiên tai để củng cố khung giám sát và đánh giá tổng hợp cho các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Về nhân sự, cần đào tạo về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu cho tất cả cán bộ phòng chống thiên tai cấp tỉnh và huyện. Hàng năm tổ chức các lớp định hướng cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp xã.

Tại Hội thảo, thông tin về việc thành lập Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Chính phủ, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đây sẽ là diễn đàn giúp kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, qua đó huy động có hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Đối tác do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập; Đối tác sẽ giúp các Bộ, ngành, địa phương xác định các vấn đề ưu tiên trong đầu tư, nghiên cứu, xây dựng chính sách, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai; giúp lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương xác định các nguồn lực, đối tác tiềm năng trong công tác phòng chống thiên tai, đồng thời hỗ trợ cung cấp thông tin trong lĩnh vực phòng chống thiên tai với các đối tác./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực