Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới

Thứ ba, 22/10/2019 15:35
(ĐCSVN) - Nhằm làm sáng tỏ chính sách của Ấn Độ với các nước láng giềng cũng như quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới, ngày 22/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới”.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế "Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới". Ảnh: VA

Hội thảo quy tụ các nhà khoa học trong nước và quốc tế uy tín đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ quán một số nước Nam Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia và đại diện các cơ quan hoạch định chính sách quan trọng như Viện chiến lược Công an, Viện chiến lược Bộ Quốc phòng…

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bày tỏ, trong một thập niên trở lại đây, có lẽ chưa bao giờ quan hệ láng giềng Ấn Độ lại nhận được sự quan tâm của nhà ngoại giao, chính trị gia, học giả trong và ngoài nước nhiều như lúc này. Điều đó xuất phát từ ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, nội lực và vị thế quốc gia của Ấn Độ tăng lên đáng kể, khiến cho mọi động thái của quốc gia này đều có thể tạo nên những ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Thứ hai, sau 5 năm triển khai Chính sách láng giềng trước tiên của Ấn Độ đã đạt được một số thành tựu lớn hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ ba, bối cảnh thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, đặt khu vực Nam Á vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và cạnh tranh Trung - Ấn được cho là sẽ định hình lại bức tranh kinh tế và an ninh của khu vực này.

PGS.TS Bùi Nhật Quang cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại các mối quan hệ láng giềng của Ấn Độ, từ đó phác thảo những nét chính trong bức tranh địa chiến lược ở châu Á và đưa ra những nhận định cho tương lai.

Hội thảo quốc tế được chia thành 3 phiên gồm: Phiên 1: Chính sách của Ấn Độ với các nước láng giềng; Phiên 2: Ấn Độ và các nước láng giềng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; Phiên 3: Quan hệ của Ấn Độ với một số nước láng giềng.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm đưa ra cái nhìn đầy đủ và khách quan về chính sách của Ấn Độ đối với các nước láng giềng, tập trung vào những điều chỉnh chính sách của chính quyền Thủ tướng Modi so với các chính quyền tiền nhiệm; đồng thời, phân tích cụ thể những nguyên tắc, mục tiêu, nội dung và những công cụ mà Chính phủ Ấn Độ đang sử dụng hiện nay để thực thi chính sách láng giềng trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào những khía cạnh và cấp bậc khác nhau của chính sách Láng giềng trước tiên.

Bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá thực trạng quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng, nhìn nhận những thành tựu và hạn chế mà chính quyền Ấn Độ đạt được trong quan hệ với các nước này; nhận định về triển vọng quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng, xác định những thuận lợi và thách thức đối với Ấn Độ, xu hướng phát triển của các cặp và các nhóm hợp tác, đồng thời dự báo những chiến lược mới, cũng như vị thế mới của Ấn Độ ở khu vực trong tương lai gần.

Các đại biểu cũng làm rõ hơn về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng. Từ đó những hàm ý cho Việt Nam để tăng cường quan hệ với Ấn Độ, tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc tế sẽ được rút ra./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực