Ninh Thuận: Giải quyết việc làm cho người lao động năm 2017 vượt kế hoạch giao

Thứ sáu, 15/12/2017 15:53
(ĐCSVN) – Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 16.532/15.500 lao động, đạt 106,05% kế hoạch giao và so với năm trước tăng 3,06% .

Trong đó, lao động đi làm việc trong tỉnh là 5.323 lao động, chiếm 32,19% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm; lao động đi làm việc ngoài tỉnh là 11.062 lao động, chiếm 66,91% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm.

Đặc biệt, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có 147 lao động. Như vậy, so với kế hoạch được giao đạt 122,5% (147/120 lao động), tăng 44 lao động so với năm 2016.

Các lao động này tập trung ở các thị trường như: Nhật Bản 61 lao động, Hàn Quốc 03 lao động, Malaysia 03 lao động, Ả rập Xê út 62 lao động, Singapore 01 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 12 lao động, Đubai 01 lao động, Nauy 03 lao động, Đức 01 lao động.

Năm 2017, Ninh Thuận đã giải quyết việc làm cho 16.532 lao động. Ảnh: Lê Na

Để thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đạt hiệu quả, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 quy định chính sách hỗ trợ vay vốn từ ngân sách địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020; Chỉ thị 04-CT/TU ngày 13/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm – xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020; Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động.

Trong đó, Sở lưu ý các đơn vị liên quan triển khai rà soát, ghi chép, cập nhật thông tin về cung – cầu lao động, diễn biến thị trường lao động; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn chính sách của tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề kiểm tra, rà soát thiết bị dạy nghề còn thiếu theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đánh giá đúng việc sử dụng thiết bị vào dạy nghề; điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đầu tư thiết bị phù hợp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh THCS và THPT; đào tạo nghề gắn với thực hành tạo “đầu ra” cho người học; đào tạo những nghề thiết thực với lao động nông thôn. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó, có sự điều chỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực