Nhiều bức xúc về tình trạng xả rác bừa bãi ở TP Hồ Chí Minh

Thứ tư, 11/07/2018 20:53
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, trong buổi thảo luận tại hội trường diễn ra ngày 11/7, nhiều đại biểu bày tỏ sự bức xúc lớn đối với tình trạng thiếu ý thức, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng hiện tượng ngập úng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, tại buổi thảo luận tại ngày 11/7 - Ảnh: PC

Bức xúc tình trạng rác thải tràn lan nơi công cộng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú bày tỏ xúc động trước hình ảnh công nhân thoát nước đô thị phải làm việc trong môi trường độc hại, ngập ngụa rác thải. Bởi, người dân xả rác bừa bãi, vứt rác thải xuống cống đã ngăn dòng thoát nước. Điều này cũng cho thấy, nguyên nhân gây ngập nước có phần do ý thức của người dân.

Dẫn lại hình ảnh những công nhân thoát nước làm việc trong môi trường tối tăm, bẩn thỉu, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bức xúc, đây vẫn là vấn đề về ý thức người dân. Nhưng vì sao ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, luật đã có nhưng thực hiện chưa nghiêm, cách xử lý còn theo phong trào chứ chưa quyết liệt và tình trạng vô ý thức này nếu người dân có lỗi 1 phần thì cơ quan quản lý lỗi đến 10.

Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Thanh Trí cho rằng, công tác thu gom rác ở khu dân cư đã có kết quả nhất định nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Lấy ví dụ thực tế, đại biểu Trần Thanh Trí chia sẻ, nhiều đơn vị thu gom rác ở khu dân cư không thu gom một số vật dụng hư hỏng của các hộ gia đình vì đây không phải là rác sinh hoạt. Không đồng thuận việc trả thêm phí để thu gom các loại rác này, nhiều người dân “lén” vất ở những nơi vắng và nơi đó trở thành bãi rác, như thế, rác làm tắc nghẽn kênh rạch, cống thoát nước. Việc này khó có thể giải quyết tận gốc khi xử lý chưa nghiêm và chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Còn đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề rác thải kéo dài từ trước đến nay chưa có giải quyết hiệu quả. Trong khi ý thức người dân về bảo vệ môi trường chưa tốt cần có chế tài mạnh mẽ. Thực tế, các quy định xử phạt đã có nhưng để nâng cao ý thức người dân cần thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt mạnh hành vi vi phạm.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đề xuất, nên mạnh dạn nghiên cứu xã hội hóa lực lượng xử phạt về xả rác, vi phạm luật giao thông để không làm tăng biên chế các ngành.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự bức xúc lớn đối với tình trạng thiếu ý thức, xả rác bừa bãi
gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - Ảnh: PC
Đề cập và giải đáp những vấn đề bức xúc của nhiều đại biểu, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm trong việc tham mưu cho UBND TP xử lý rác nơi công cộng.

Theo Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TP hiện nay mỗi năm tăng khoảng 6%. Ước tính đến năm 2020, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt. “Nếu chúng không được thu gom, xử lý kịp thời thì đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường; đồng thời trôi xuống cống làm tắc nghẽn”, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

Thừa nhận có trách nhiệm trong việc để tình trạng rác thải tràn lan nơi công cộng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP đã có chế tài xử lý nhưng cơ quan chức năng khó xử lý. Hiện quy định mức xử phạt hành vi xả rác không đúng quy định từ mức 500 ngàn đến 7 triệu đồng, giao về cấp chính quyền địa phương, ngành Tài nguyên và Môi trường xử phạt. Nhưng để xử lý được hành vi phải có sự gắn kết với nhiều ngành, ví vụ như thông qua camera an ninh có thể phát hiện và xử phạt hành vi xả rác.

Vì vậy, thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung xử lý rác thải nơi công cộng, trong đó xử lý nghiêm hành vi xả rác không đúng quy định. Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cũng khẳng định, nếu không tập trung vào việc xử phạt thì khó thể nâng cao ý thức người dân. Một trong những giải pháp được tính đến là việc có thể xin cơ chế, lực lượng xử lý có thẩm quyền rộng hơn.

Chủ tịch HĐNDTPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với đại biểu tại kỳ họp - Ảnh: PC

Đồng quan điểm với Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, cho rằng cần đẩy mạnh việc xử phạt đối với các hành vi xả rác nơi công cộng. Ở góc độ tài chính, có thể dùng toàn bộ số tiền thu được từ việc phạt để chi cho hoạt động của lực lượng xử phạt.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, mỗi năm, TP Hồ Chí Minh chi cho duy tu hệ thống thoát nước là 1.132 tỷ đồng và 2.848 tỷ đồng cho xử lý rác, trong đó có 700 tỷ đồng chi cho quét rác… Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây mới là tiền ngân sách bố trí, còn tiền của từng hộ dân đóng hàng tháng để thu gom rác, tính tổng là con số rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, hiện hành lang pháp lý có đầy đủ nhưng tổ chức thực hiện chưa nghiêm nên không hiệu quả, đồng bộ nên môi trường ngập rác, tình trạng ngập nước vẫn diễn ra thì không thể chấp nhận được. Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm  đề nghị các ngành cần bàn sâu, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết hiệu quả vấn đề này…/.

 

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực