Nghề làm đàn môi ở Hà Nam

Thứ ba, 22/05/2018 16:51
(ĐCSVN) - Quê hương Hà Nam không chỉ nổi tiếng với hình tượng văn học Chí Phèo, Thị Nở của nhà văn Nam Cao, với cá kho làng Vũ Đại, chuối ngự tiến vua Đại Hoàng, bánh đa cá rô và bánh cuốn chả Phủ Lý..., mà địa phương còn có nghề thủ công vô cùng độc đáo – nghề làm đàn môi ở thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên.
Chị Nguyễn Thị Thoa đang tỉ mỉ gia công từng chi tiết cho chiếc đàn môi. Ảnh: QC

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Thế Canh - Bí thư Đảng ủy xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: Nghề làm đàn môi (có nơi gọi là kèn môi - một nhạc cụ của đồng bào thiểu số) du nhập về làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn chúng tôi từ khoảng năm 1999 – 2000, do Lê Ngọc Tiến - một người làng đang sống ở Hà Nội đem mẫu về đặt làm. Trải qua gần 20 năm, nghề làm đàn môi có lúc thăng trầm, nhưng đến nay vẫn được duy trì như một nghề sinh nhai cho người dân địa phương.

“…Làng chúng tôi vốn chỉ quen tay búa, tay đục làm những chiếc trống Đọi Tam truyền thống, khoảng những năm 2000 chuyển sang làm thêm đàn môi – một nghề đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Nghề mới rất kén thợ tài đã làm cho không ít người bỏ cuộc, nhưng nếu vượt qua thách thức này thì nghề đàn môi lại vô cùng độc đáo, thi vị, bởi mỗi sản phẩm làm ra được ví như những kiệt tác từ bàn tay, khối óc sáng tạo…” - chị Nguyễn Thị Thoa, 44 tuổi, một nghệ nhân làm đàn môi ở làng Đọi Tam cho hay.

Một số nghệ nhân khác tại làng nghề cho chúng tôi biết thêm: Với những người trụ lại được với nghề phải có hoa tay khéo léo, có trí kiên trì, sang tạo cũng như có khả năng thẩm âm đặc biệt. Có vậy mới có thể làm ra được những chiếc đàn môi đạt tiêu chuẩn và hơn thế là có thể kiếm được thu nhập từ nghề… đàn môi.

Những chiếc đàn môi xinh xắn làng Đọi Tam. Ảnh: QC
Sau khi hoàn thiện, những chiếc đàn môi được bảo quản trong những chiếc hộp xinh xắn. Ảnh: QC

Chiếc đàn môi chỉ bé bằng đầu ngón tay, dài 5 – 6cm, được cấu tạo bởi miếng đồng mỏng có lưỡi dao động phía tâm, đầu đàn nhọn. Thoạt nhìn đàn môi trông giống như chiếc kim thêu cỡ lớn, có người còn lầm tưởng là chiếc phi tiêu…. Tuy nhiên, khi hoàn thiện, người nghệ sĩ đưa chúng lên miệng thổi, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những âm thanh du dương, lúc réo rắt, lay động sâu thẳm lòng người lạ thường...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, có thâm niêm làm đàn 15 năm tại làng Đọi Tam chia sẻ: Khi chơi đàn, người chơi sẽ giữ đui đàn cố định bằng tay trái, đặt đàn cách đôi môi một khoảng. Ngón cái của tay phải bật vào đầu đàn khiến lưỡi đàn rung lên, truyền chấn rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Người nghệ sĩ dùng sự khéo léo điều khiển âm vực trong khoang miệng sao cho âm phát ra là những giai điệu của một bản nhạc, bài hát.

Nói về quy trình sản xuất ra một chiếc đàn môi, ông Lê Ngọc Tiến - người đưa nghề làm đàn môi về làng chia sẻ: Trước tiên phôi đồng được dập sẵn bằng máy, tiếp theo phôi được người thợ đưa vào chà bóng, mài giũa lấy mặt phẳng, tiếp theo đến công đoạn gia công rãnh nhằm tạo rãnh. Đây là khâu quan trọng nhất vì nó quyết định chất lượng âm thanh của chiếc đàn. Cuối cùng là khâu thẩm âm. Khâu này kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn. Trong các công đoạn, chỉ cần một sai sót nhỏ là sản phẩm lập tức bị loại bỏ. Trừ khâu làm phôi, các công đoạn đều làm thủ công, nên đòi hỏi sự chính xác của tay nghề người thợ rất cao.

Nói thêm về công đoạn thẩm âm, ông Tiến cho biết: “Trong việc làm ra chiếc đàn môi khó nhất là khâu xẻ rãnh để lấy tiếng (tức thẩm âm). Người thợ phải căn chỉnh từng li, xử lý sao cho âm thanh của đàn có độ nẩy, độ ngân, độ dao động lâu. Vì vậy đòi hỏi người thợ ngoài tay nghề, phải có đôi tai thẩm âm tốt, bởi chỉ thay đổi độ dày mỏng một li của rãnh kèn, âm đàn phát ra đã rất khác nhau…”

Chất liệu để làm đàn môi là đồng luyện đủ độ, được dập thành lá, phôi được làm bằng máy rồi gia công. Trước đây chỉ có thể làm ra một loại đàn môi, nhưng hiện nay, theo các nghệ nhân tại làng cho biết đã tạo ra 30 loại, có kích thước to, nhỏ và cấu tạo khác nhau. Mỗi loại lại có âm thanh đặc trưng riêng biệt, độ xuất sắc khi thể hiện các giai điệu, lời hát của đàn tùy thuộc vào năng khiếu của người chơi đàn.

Để tiện cho khâu bảo quản và dễ phân biệt, từng loại đàn được cho riêng từng loại vào ống đựng, bên ngoài được bọc cẩn thận bằng những chất liệu vải thổ cẩm đủ màu sắc bắt mắt. Những chiếc ống đựng đàn cũng phải được luộc qua nước vôi để vô trùng, đảm bảo vệ sinh mỗi khi đưa đàn lên miệng thổi.

Là nghề đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa cao nên cả làng Đọi Tam cũng chỉ điểm được 7 – 8 thợ lành nghề, còn lại là thợ phụ. Với giá 5.000 đồng/ chiếc đàn thành phẩm, một ngày thợ lành nghề làm được 50 – 70 cái cũng cho các gia đình nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Lê Ngọc Tiến, người đưa nghề đàn môi về làng Đọi Tam. Ảnh: QC

Trao đổi thêm về xuất xứ của loại nhạc cụ này, ông Lê Ngọc Tiến cho hay, đàn môi là một loại nhạc cụ xuất xứ của người H’Mông, song hiện nay, sản phẩm của ông làm ra chủ yếu xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mĩ, và một số nước Châu Á như: Nhật Bản, Ấn Độ, số ít bán tại Việt Nam. Trên thế giới hiện có khoảng 30 quốc gia chơi loại nhạc cụ này. Bình quân mỗi năm, công ty ông xuất khẩu 2 – 3 vạn chiếc đàn môi.

Cũng theo ông Tiến thì ở Việt Nam hiện nay có tới 10 loại đàn môi khác nhau, trong đó loại đàn môi của người H’Mông được giới thạo nhạc trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Tiếng đàn môi người H’Mông khi cất lên được ví như tiếng tự tình gọi bạn tình mùa xuân. Dựa vào những am hiểu đó, ông đã nghiên cứu và tạo ra nhiều loại đàn môi có tiếng du dương đủ cung bậc từ mẫu đàn môi gốc người H’Mông và ông đã thành công. Hiện ông Tiến giao phôi hàng thường xuyên cho khoảng 30 hộ trong làng sản xuất với thu nhập bình quân 3 – 4,5 triệu đồng 1 người/tháng.

Mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ông Lê Ngọc Tiến tỏ ra lạc quan về tương lai nghề làm đàn môi, bởi theo ông biết, thì hiện nay trong một số loại đàn điện tử trong đó có đàn organ chưa tích hợp được loại âm thanh độc đáo này.

Ngoài việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho địa phương, đây hẳn là nghề đang tạo ra sự thú vị khi những chiếc đàn môi – loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc thiểu số tưởng chừng chỉ thấy ở những vùng núi cao phía Bắc Tổ quốc, ấy vậy mà chúng ta lại được tận mắt chứng kiến nó được làm ra ngay tại một làng quê thuộc tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Đọi Sơn, Duy Tiên (Hà Nam)./.                     

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực