Nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm?

Thứ năm, 29/03/2018 10:11
(ĐCSVN) - Nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm là một trong những vấn đề không còn mới mẻ nhưng được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân Trí

Môi giới mại dâm qua zalo, facebook

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mại dâm ở Việt Nam đã tồn tại từ nhiều năm, hành vi bán dâm, mua dâm bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Qua nhiều năm, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi hơn.

Con số thống kê cho thấy số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế... đầu năm 2017 là hơn 3.000 người.

Theo báo cáo thống kê của các địa phương trên toàn quốc, ước tính có khoảng 15.000 người bán dâm. Thế nhưng, dường như con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Theo số liệu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó người bán dâm là nữ có khoảng 75.000 người.

Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, môi giới mại dâm qua mạng internet (facebook, zalo...).

Văn bản pháp lý cao nhất của Việt Nam điều chỉnh hoạt động phòng ngừa mại dâm là Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được ban hành tháng 3/2003 và có hiệu lực từ tháng 7/2003, nhưng phải đến tháng 10/2004, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 178/2004/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều trong Pháp lệnh, tức là hơn một năm sau mới có văn bản hướng dẫn thực hiện pháp lệnh.

Cần khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm, đặc biệt là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm đến nay đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn.

Đó là Pháp lệnh, phòng chống mại dâm vẫn là dạng luật khung quy định một số vấn đề trong phòng ngừa mại dâm. Và mặc dù xác định phòng ngừa là biện pháp trọng tâm nhưng các quy định về biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm tổ chức các hoạt động phòng, ngừa... vẫn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp, điều kiện, nguồn lực... dẫn đến việc triển khai ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì Pháp lệnh Phòng chống mại dâm có chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, thậm chí thiếu tính khả thi khi áp dụng các biện pháp xử phạt.

Ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận xét, chế tài xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm pháp luật phòng chống mại dâm cũng chưa công bằng, chưa có chính sách xử lý cụ thể đối với người mua dâm.

“Pháp lệnh cũng quy định cả người mua bán dâm đều bị xử lý phạt tiền, gửi thông báo về cơ quan hoặc địa phương nơi làm việc, cư trú nhưng thực tế việc này không khả thi do cả người mua và người bán không khai nhận chính xác nơi làm việc và cư trú dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý và biện pháp này dường như chưa phát huy hiệu quả,” ông Cao Văn Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng cho rằng, mức phạt trong Pháp lệnh chưa thực sự đủ sức răn đe. Ông dẫn chứng, Luật xử lí vi phạm hành chính quy định người bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng nên mức phạt này dường như là “phạt để tồn tại”. Hay việc xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm chứa chấp hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm cũng chưa thực sự thỏa đáng.

Ngoài ra, Pháp lệnh chưa đề cập đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm hoàn lương cũng như các biện pháp phòng trước khi sa vào hoạt động mại dâm...

Coi mại dâm là một nghề?

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới coi mại dâm là nghề vi phạm pháp luật, kể cả một số nước phát triển, có tư tưởng rất "thoáng" về quan hệ tình dục như Mỹ (chỉ có bang Nevada xem mại dâm là hợp pháp) và Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.

Chính vì vậy “nên hay không nên” hợp pháp hóa mại dâm, là một trong những vấn đề luôn được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.

Ông Cao Văn Thành cho biết, việc xây dựng Luật về mại dâm tiến hành dựa trên quan điểm thể chế hóa quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm sẽ đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định, phát triển của đất nước.

Phòng ngừa và giảm tác hại trong mại dâm là vấn đề đặt lên hàng đầu. Dự luật mới xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệt giảm hại trong phòng ngừa mại dâm, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người bán dâm.

Luật về mại dâm được xây dựng sẽ tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng luật về mại dâm cần hướng đến dần công nhận mại dâm là một nghề, Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoat động mại dâm trong các khu riêng biệt như một số quốc gia lân cận và trên thế giới. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục.

Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo. Bởi lẽ, tệ nạn mại dâm là một vấn đề xã hội, để giải quyết cần phải có những biện pháp mang tính xã hội, phù hợp, trong một thời điểm nhất định. Mặt khác giải quyết vấn đề này cần xem xét dưới nhiều góc độ, nhiều yếu tố như truyền thống văn hóa Việt Nam, phong tục tập quán và ý thức chấp hành pháp luật của người dân...

Theo ông, trên cơ sở tiếp cận xây dựng luật theo hướng dần công nhận mại dâm là một nghề thì dự thảo luật cần thể hiện được sự thay đổi trong chính sách của Nhà nước về phòng, chống mại dâm. Các chính sách này trước hết cần xác định việc quản lý mại dâm là trách nhiệm chính của Nhà nước, do vậy Nhà nước cần phải có chính sách đầu tư về kinh phí cho việc xây dựng các khu phố quản lý riêng biệt, dịch vụ y tế... để người hành nghề mại dâm có thể được hoạt động trong sự quản lý của nhà nước.

“Tuy nhiên, cũng cần thể hiện nhất quán quan điểm không khuyết khích phát triển hoạt động này, do đó luật vẫn cần hướng đến các biện pháp phòng, chống mại dâm,” ông Đạt nói.

Theo đó, ông đề xuất Luật cần có những quy định liên quan đến biện pháp phòng ngừa; cần đưa vào nội dung hỗ trợ phòng chống bạo lực giới, giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm...

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng, trong điều kiện hiện nay chưa nên bàn đến việc hợp pháp hóa mại dâm hay coi đây là một nghề. Quan điểm phù hợp nhất, hợp lý và có ích nhất là không coi đây là tội hình sự.

Trả lời câu hỏi nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm quả thật rất khó, bởi đây là một vấn đề phức tạp vì liên quan đến phạm trù đạo đức và luật pháp, dù rằng là hai phạm trù riêng nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Thực tế, sau nhiều lần tranh cãi thì câu hỏi trên vẫn chưa tìm được lời giải vì tính “nhạy cảm”.

Dù áp dụng biện pháp nào, chúng ta phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Những người hoạt động mại dâm cũng là những con người và họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội...  Bởi vậy, các giải pháp cho vấn đề mại dâm cần đạt đến mục tiêu tôn trọng quyền cơ bản của con người, vì giống nòi, vì một dân tộc phát triển khỏe mạnh và không có HIV/AIDS. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực