Long An đối mặt với tình trạng sạt lở nguy hiểm

Thứ ba, 11/06/2019 18:11
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An. (Ảnh: K.V)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo ngành chức năng, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP.Tân An. Nguyên nhân của sạt lở là do các tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu, thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cần Giuộc có 5 điểm sạt lở, trong đó huyện Bến Lức có 3 điểm; huyện Tân Trụ sạt lở 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Tây và tại ngã ba sông Vàm Cỏ trên địa bàn các xã là Nhựt Ninh, Tân Phước Tây, Đức Tân. Mức độ sạt lở hàng năm lấn sâu vào phía bờ từ 1m đến 3m; TP.Tân An xảy ra sạt lở, sụt lún đất thiệt hại 4 căn nhà tại khu vực ven bờ sông Vàm Cỏ Tây, thuộc xã Lợi Bình Nhơn.

Có thể thấy, huyện Tân Trụ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở nhiều năm qua. Hàng chục căn nhà bị nứt, sụp lún, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng nhất là các khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây làm ảnh hưởng một số ao tôm, đất sản xuất nông nghiệp. Trên sông Cần Giuộc, khu vực từ cống Trị Yên đến bến phà Cần Giuộc, thuộc địa phận thị trấn Cần Giuộc, tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ năm 2012 đến nay, khu vực này có trên chục ngôi nhà và 1 chợ bị trôi xuống sông, làm cả trăm hộ dân bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho hay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên chế độ dòng chảy của các sông lớn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đối với những đoạn sạt lở nhỏ, việc khắc phục, xử lý dễ. Các điểm sạt lở lớn tại kênh Nước Mặn, đoạn nối giữa sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc; sạt lở ven sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, xã Long Hậu và ven thị trấn Cần Giuộc; các điểm sạt tại huyện Bến Lức, Tân Trụ, việc khắc phục hết sức khó khăn. Sau nhiều lần kiến nghị, Trung ương đã đồng ý hỗ trợ xây dựng kè tại huyện Cần Giuộc, Đức Huệ và đưa vào danh mục đầu tư kè tại phường 5, TP.Tân An. Tuy nhiên, phần lớn các dự án chống sạt lở phải chờ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương.

Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo các địa phương cắm biển báo khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, đồng thời vận động người dân di dời đến nơi ở khác nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng. Về lâu dài, ngành cũng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng giải pháp công trình và phi công trình chống sạt lở.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nhằm bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở đất ở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, bảo vệ tính mạng, tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng, nhà cửa,... của Nhà nước và nhân dân được an toàn, các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở, sụp lún, tăng cường lực lượng kiểm tra nhằm sớm phát hiện các khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở đất và có kế hoạch gia cố, xử lý kịp thời. Đồng thời vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, khẩn trương di dời các hộ dân sống ở những khu vực sạt lở đến khu vực an toàn, khu tái định cư được chính quyền địa phương bố trí nhằm bảo đảm an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tình hình thời tiết, triều cường, sạt lở đất, các khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng,... để người dân biết; từ đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và năng lực ứng phó sạt lở đất./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực