Hiệu quả công tác giảm nghèo nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ ba, 20/03/2018 23:24
(ĐCSVN) - Những năm qua, vượt qua những khó khăn thách thức, công tác giảm nghèo của Lai Châu đã đạt được những hiệu quả bền vững. Thông qua những hoạt động hỗ trợ thiết thực, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã từng bước được cải thiện; nhiều hộ gia đình có thêm cơ hội vươn lên để ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững…
Mô hình hỗ trợ phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh QM

Huyện Tam Đường của tỉnh Lai Châu với trên 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo của Đảng, Nhà nước, những năm qua huyện Tam Đường đã tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong công cuộc giảm nghèo như: Thực hiện đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn người dân triển khai các mô hình, dự án có giá trị kinh tế cao như trồng chè Kim Tuyên, sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi dê sinh sản… Theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Thọ Trung, Bí thư Huyện ủy Tam Đường: Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã chủ động triển khai, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo thường xuyên, liên tục thông qua các hoạt động cho vay vốn, tập huấn, triển khai các mô hình thí điểm và hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Tam Đường đã giảm xuống chỉ còn hơn 35%, theo chuẩn nghèo đa chiều. Bước sang năm 2018, huyện Tam Đường đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh công tác giảm nghèo; trong đó tập trung phát triển diện tích cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận) ở xã Giang Ma, Hồ Thầu; mở rộng sản xuất ngô, lúa đông xuân trên chân ruộng 1 vụ lúa ở xã Sơn Bình, Khun Há; chuyên canh cây cam ở xã Bản Giang, Bản Hon và hướng dẫn bà con chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê…) theo hướng hàng hoá, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững…

Tìm hiểu được biết, cũng giống như huyện Tam Đường, tại các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Lai Châu, công tác giảm nghèo đã luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Theo đó, để các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo bảo đảm đúng mục tiêu và thực sự phát huy hiệu quả, tỉnh Lai Châu đã tiến hành rà soát các hộ nghèo theo tiêu chí quy định. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn gần 28.300 hộ nghèo; chiếm khoảng hơn 29,8%, giảm 4,98% so với năm 2016. Trong đó, hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí thu nhập là trên 26.800 hộ (chiếm 95,05% tổng số hộ nghèo), hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là 1.408 hộ (chiếm 4,95%) tổng số hộ nghèo. Số hộ nghèo thuộc các dân tộc thiểu số là hơn 27.900 hộ (chiếm 98,78% tổng hộ nghèo). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, thành phố cùng các sở, ban, ngành chủ động có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo với phương châm  “giúp cần câu chứ không cho con cá”; gắn hỗ trợ của Nhà nước với động viên, khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác, tự lực của bà con.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2017, tỉnh Lai Châu đã thực hiện có hiệu quả hàng loạt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả y tế; hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ về tín dụng ưu đãi… bằng nguồn vốn đầu tư phát triển được giao, các huyện đã tổ chức thực hiện đầu tư 43 dự án thuộc các hạng mục: Đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học với tổng giá trị khối lượng thực hiện là gần 97 tỷ đồng. Nguồn vốn sự nghiệp với các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã được thực hiện trong việc hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động… Chị Vàng Thị Ngọt ở bản Nậm Củm, xã Bum Nưa cho biết: Trước đây do diện tích đất sản xuất ít, hiệu quả canh tác không cao nên đời sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được hỗ trợ thực hiện mô hình chuyên canh cây lúa nước và nuôi dê núi sinh sản, gia đình tôi đã có thêm thu nhập. Không chỉ bảo đảm nhu cầu của gia đình, từ năm ngoái nhà tôi còn có thóc gạo và dê thịt bán ra thị trường để mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình.

Bên cạnh đó, hàng loạt những tiểu dự án nằm trong các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững như Chương trình 30a, 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và 135... đã được tỉnh Lai Châu thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2017, chỉ riêng chương trình 135 đã triển khai thực hiện hoàn chỉnh 145 công trình trên địa bàn tỉnh, qua đó thiết thực hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Trên cơ sở đó, ý thức tự giác, tự lực lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên. Biểu hiện cụ thể đó là đa phần người dân đã tích cực tìm hướng sản xuất trên cơ sở hỗ trợ của các chương trình dự án giảm nghèo để ổn định đời sống và nâng cao thu nhập.

Có thể thấy, các chính sách, dự án giảm nghèo đã được thực hiện ngày càng có hiệu quả tại nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ trực tiếp, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là những công trình phục vụ đời sống dân sinh được hoàn thành trong thời gian vừa qua như giao thông nông thôn, công trình thủy nông thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, nhà cộng đồng... đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân, nhất là các hộ nghèo; tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn…

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Theo thống kê trong năm 2017, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều của toàn tỉnh là 4,98%, riêng các huyện nghèo giảm 5,88%. Thông qua thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đã góp phần phát triển một bước hạ tầng kinh tế xã hội, tạo tiền đề quan trọng để vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo vừa giúp nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Cũng trên cơ sở hiệu quả công tác giảm nghèo, tình hình an ninh trật tự xã hội tại các địa phương cơ bản được đảm bảo; các tệ nạn xã hội được kiềm chế; không phát sinh điểm nóng phức tạp; tình trạng dân di cư tự do cơ bản được khắc phục; chủ quyền biên giới được giữ vững.

Tuy nhiên, do đặc điểm của một tỉnh biên giới, xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác giảm nghèo ở Lai Châu còn có những hạn chế nhất định: Hiệu quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững do số hộ cận nghèo cao, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo; số ít người dân chưa mạnh dạn phát triển sản xuất, còn có tâm lý ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; giao thông đi lại ở một số vùng nhất là khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa còn khó khăn, hạn chế hoạt động thông thương giữa các vùng và ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của người dân…

Với mục tiêu giảm 3,76 tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2018, ngay từ những tuần đầu, tháng đầu của năm 2018, UBND tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh thực hiện các nội dung của công tác. Trong đó trọng tâm là triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực sản xuất, thực hiện đa dạng cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa…

Trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức vươn lên của người dân, tin tưởng công tác giảm nghèo ở tỉnh miền núi biên giới Lai Châu sẽ tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực, bền vững góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và củng cố an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới Tây Bắc của Tổ quốc./.

Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực