Hà Tĩnh: Hiệu quả rõ nét từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm

Thứ hai, 12/11/2018 10:27
(ĐCSVN) – Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo cơ hội cho nhiều người lao động tại tỉnh Hà Tĩnh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động...
Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Thị Hòa, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ)
là một trong những hộ sử dụng vốn vay từ Chương trình (Ảnh minh họa: Nguyễn Đạt)

Đồng vốn đem lại hiệu quả thiết thực

Chương trình Quỹ Quốc gia về việc làm là một trong những chính sách quan trọng của Chính phủ. Chương trình đã mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước, tạo nguồn thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình, góp phần ổn định bảo đảm an sinh xã hội.

Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lưu Văn Minh – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhận thức được ý nghĩa xã hội to lớn từ chương trình, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tốt với các sở, ban ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội triển khai có hiệu quả việc cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đó, Chi nhánh đã thực hiện công khai chính sách cho vay đến các điểm giao dịch xã. Phối hợp với các Hội đoàn thể phổ biến cơ chế cho vay, qui trình thủ tục vay vốn đến các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn, xóm, thực hiện cho vay thông qua các Tổ TK&VV.

Đồng thời, thực hiện thủ tục cho vay đơn giản, hộ vay làm hồ sơ cho vay thông qua Tổ TK&VV, được các thành viên trong Tổ TK&VV bình xét cho vay dưới sự chứng kiến của đại diện tổ chức Hội nhận ủy thác cấp xã, Trưởng thôn và Ban quản lý Tổ TK&VV.

Sau khi phê duyệt cho vay, NHCSXH thực hiện giải ngân tại điểm giao dịch xã đến tận khách hàng vay vốn.

Với quan điểm tập trung đi sâu vào chất lượng tín dụng, Chi nhánh đã tích cực thu hồi nợ đến hạn, xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn thu hồi để giải ngân. Đặc biệt, chú trọng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các trường hợp cho vay sai đối tượng, để phát sinh nợ quá hạn

Nhờ những nỗ lực trên, doanh số cho vay trong 10 tháng đầu năm 2018 là 40.489 triệu đồng với 1.226 lượt khách hàng, doanh số thu nợ 29.203 triệu đồng. Dư nợ đến 31/10/2018 là 105.429 triệu đồng, với 3.457 khách hàng đang có dư nợ. Trong đó nguồn vốn trung ương là 84.748 triệu đồng, nguồn vốn Ngân sách địa phương chuyển sang là 20.681 triệu đồng.

Về chất lượng tín dụng, nợ quá hạn 89,48 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08%/tổng dư nợ, nợ khoanh 521,73 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,49% tổng dư nợ.

Điều đáng mừng là kết quả triển khai thực tế cho thấy, Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân khi được thụ hưởng chính sách, tạo thêm nguồn vốn đầu tư mua sắm nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi để tham gia sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...

Cung chưa đủ cầu

Hiệu quả từ chương trình đã được các cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, vẫn còn đó những trăn trở, đó là nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, số tiền phân bổ hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình vay vốn trên địa bàn.

Thêm vào đó, hiện nay, việc phân cấp quản lý nguồn vốn theo nhiều đầu mối (nhiều Hội, đoàn thể quản lý, gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý; vốn vay bị dàn trải, kém hiệu quả, gây tồn đọng vốn do thu hồi về các Hội đoàn thể chưa phân bổ kịp thời để giải ngân.

Việc hướng dẫn, xây dựng các mô hình, dự án có hiệu quả còn hạn chế; chủ yếu giải ngân theo hộ gia đình tự xây dựng dự án. Việc lồng ghép các mô hình, gắn kết sản xuất với các yếu tố nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, kỷ thuật sản xuất chưa phổ biến nên hiệu quả trong cho vay giải quyết việc làm chưa cao.

Khẳng định việc thực hiện tín dụng ưu đãi để cho vay giải quyết việc làm là một chủ trương đúng đắn, ông Lưu Văn Minh đề nghị UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đề xuất tăng nguồn vốn bổ sung hàng năm để đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá nông thôn.

Đồng thời đề xuất các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cơ chế điều hành vốn, nên tập trung cơ quan quản lý, điều hành nguồn vốn là UBND tỉnh, tránh việc giao cho nhiều Hội, đoàn thể quản lý, chồng chéo gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát, theo dõi nguồn vốn./.

Lê Hải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực