Giám sát chương trình Giảm nghèo bền vững tại Kon Tum

Thứ bảy, 23/03/2019 15:36
(ĐCSVN) - Đến hết năm 2018, Kon Tum còn 22.851 hộ nghèo, chiếm 17,29% tổng số hộ dân, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,58%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 21.392 hộ, bình quân giảm 6,05%/năm, đạt 129,1% so với mục tiêu đề ra.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với tỉnh Kon Tum

Ngày 22/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Kon Tum về việc triển khai chính sách, pháp luật thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2018.

Tỉnh Kon Tum tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, giai đoạn 2012-2018, tỉnh Kon Tum đã thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, huyện đến xã; đồng thời hàng năm đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan.

Qua theo dõi, kiểm tra đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, chương trình trên đã có tổng nguồn lực giải ngân hơn 8.306 tỷ đồng, góp phần tạo cơ hội cho người nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Mặt khác, kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã có cải thiện, phát triển hơn. Cụ thể, đến hết năm 2018, còn 22.851 hộ nghèo, chiếm 17,29% tổng số hộ dân, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,58%/năm, trong đó hộ nghèo DTTS là 21.392 hộ, bình quân giảm 6,05%/năm, đạt 129,1% so với mục tiêu đề ra.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có mạng lưới trường học các cấp và trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập, phổ biến kiến thức cho người dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 86,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, được truyền đạt kinh nghiệm sản xuất; 98% đường giao thông xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; tỷ lệ kilomet đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 57%...

Tỉnh Kon Tum kiến nghị, hàng năm, các bộ, ngành Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn liên quan để triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ kế hoạch; có cơ chế hỗ trợ kinh phí ăn, nghỉ cho đội ngũ cán bộ xã và cộng đồng khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; ban hành các chính sách hỗ trợ hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo và hướng dẫn cụ thể về cơ chế luân chuyển, mức thu hồi vốn thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp thực tiễn; nâng định mức hỗ trợ bằng tiền đối với những địa phương không có quỹ đất sản xuất chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến biểu dương nỗ lực của Kon Tum đã chỉ đạo kịp thời các chính sách về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững thời gian qua. Đề nghị Kon Tum cần bổ sung, báo cáo chi tiết hơn về nguyên nhân giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nhất là số hộ tái nghèo, phát sinh nghèo còn xảy ra, để Đoàn giám sát tổng hợp, kiến nghị các cấp có giải pháp giải quyết tốt hơn trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Phi Em

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực