Giảm nghèo bền vững: Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả

Thứ tư, 22/05/2019 18:00
(ĐCSVN) – TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, cải tiến và nhân rộng các mô hình được triển khai ở phạm vi sâu rộng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Sáng 22/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể xuất sắc

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP Hồ Chí Minh qua 3 năm thực hiện theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã tạo điều kiện và cơ hội cho hàng ngàn người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, để tổ chức vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố có 60.622 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và 58.703 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo. Tính đến ngày 31/12/2018, Thành phố còn lại 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% tổng hộ dân Thành phố và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15% tổng hộ dân Thành phố; còn 287 hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc diện chính sách có công (có 10 hộ nghèo và 277 hộ cận nghèo).

Thành phố có 10 quận và 145  phường (quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, quận Tân Bình và quận Bình Tân) và 28 phường thuộc 6 quận (quận 4, quận 7, quận 8, quận 9, quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức) hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020; và 1 quận với 15 phường (quận 5) và 23 phường thuộc 5 quận (quận 2, quận 3, quận 6, quận 11 và quận Bình Thạnh) hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn cận nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020. Về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia: Thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020 (vào cuối năm 2016); cuối năm 2018, còn 94 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020, chiếm 0,005% tổng hộ dân thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung đánh giá cao kết quả và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức từ thiện xã hội, các mạnh thường quân chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo và nhất là sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, hộ nghèo Thành phố. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới để công tác giảm nghèo của Thành phố đạt được hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp cần tập trung tiếp tục thực hiện tốt các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, tạo việc làm để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố; xây dựng các kế hoạch lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội Thành phố, đặc biệt gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Vì người nghèo” để hoạt động thật sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia của nhân dân Thành phố vào sự nghiệp giảm nghèo Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn, đề ra các giải pháp căn cơ, hữu hiệu thực hiện đồng bộ, sát với thực tiễn. Cùng với đó, cần quan tâm tuyên truyền vận động để làm chuyển biến tư tưởng những hộ còn trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp nhà nước, chăm lo của cộng đồng xã hội, thiếu ý thức tự phấn đấu giảm nghèo, hoà nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng. Thành phố cần tiếp tục xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, cải tiến và nhân rộng các mô hình được triển khai ở phạm vi sâu rộng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hàng năm, Thành phố cần quan tâm đến việc bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn quỹ đối với cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp để tránh xảy ra tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình giảm nghèo bền vững mà Đảng bộ Thành phố nhiều nhiệm kỳ qua coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể và Bằng khen cho 64 tập thể và 69 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chương trình “Giảm nghèo bền vững” của Thành phố giai đoạn 2016 – 2018, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực