Đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo nghề

Thứ tư, 23/05/2018 17:20
(ĐCSVN) – Hiện nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có công việc ổn định vẫn là khoảng trống đối với thanh niên học nghề. Để thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi của doanh nghiệp và người lao động là những nội dung tiên quyết, rất cần được chuẩn bị cho thanh niên.
 

Ngày 23/5, tại Hà Nội, tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị tổ chức Hội thảo “Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình đào tạo  nghề”. 


Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ sở giáo dục dạy nghề Hà Nội (Ảnh: KL)

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Chính Minh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội cho biết, hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” do tổ chức Plan International Việt Nam cùng Hyundai E&C, Hyundai Motor, KOICA và đối tác triển khai tại Hà Nội.

Với tổng ngân sách tài trợ gần 39 tỷ đồng, dự án đã tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thanh, thiếu niên yếu thế. Theo đó, các em sẽ được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Dự án đặt mục tiêu 70% học viên tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định trong vòng 6 tháng và 70% học viên đóng góp thu nhập cho gia đình trong vòng 4 tháng sau tốt nghiệp.

Trong 3 năm, từ tháng 7/2015 đến hết tháng 5/2018, dự án hỗ trợ nâng cấp cho 4 xưởng đào tạo nghề: xưởng nghề công nghệ ô tô; xưởng sơn và sửa chữa thân vỏ ô tô; xưởng hàn và đường ống công nghệ; xưởng an toàn trong xây dựng và công nghiệp. Dự án đã cung cấp các trang thiết bị hiện đại đảm bảo mục tiêu các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nội dung chương trình đào tạo các nghề công nghệ ô tô, sơn và sửa chữa thân vỏ ô tô, lắp đặt ống công nghệ và hàn được hỗ trợ chỉnh sửa phù hợp với nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn với trình độ học vấn hạn chế. Ngoài ra, dự án còn mời các chuyên gia trong nước và quốc tế giúp nâng cao năng lực cho các giảng viên thông qua các khóa đào tạo tập huấn. Đây cũng là lần đầu tiên, chương trình đào tạo an toàn lao động trên công trường và an toàn trong công nghiệp được đưa vào đào tạo chính thức.

Cũng theo ông Bùi Chính Minh, hiện nay, thanh niên học nghề, trong đó có các bạn hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc rất quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công. Nhất là khi, trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam luôn yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm. Thế nhưng, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có công việc ổn định vẫn là khoảng trống đối với thanh niên học nghề. Để thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi của doanh nghiệp và người lao động là những nội dung tiên quyết, rất cần được chuẩn bị cho các bạn thanh niên.

Đáp ứng nhu cầu đó, Dự án “Hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội”, đã xây dựng một bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm chương trình giảng dạy cho giáo viên và sách thực hành cho học sinh sinh viên. Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm trong 2 năm với hơn 2.000 sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Bộ tài liệu cũng được xây dựng nhằm mục đích sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhóm thanh niên học nghề từ hệ trung cấp đến cao đẳng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đỗ Năng Khánh, ở các nước phát triển, kỹ năng mềm được coi là chương trình cơ bản, mang tính bắt buộc. Chương trình kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công cho người lao động nhất là khi chúng ta đã hội nhập và đang tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, người lao động vẫn yếu trong kết hợp làm việc nhóm nên tới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ triển khai dạy kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa trong toàn ngành giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là lựa chọn người dạy bởi đa số giáo viên nghề có kỹ năng mềm kém, lại nhiều tuổi nên rất khó để thay đổi…

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, các trường nghề, trường Trung học phổ thông và doanh nghiệp đề nghị cần thiết phải đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo nghề chính khóa, nhất là khi hiện nay kỹ năng làm việc nhóm của thanh niên đang rất yếu.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu kỹ năng mềm dẫn đến nhút nhát, thiếu tự tin, không biết cách làm việc theo nhóm./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực