Đảm bảo an ninh năng lượng: Cần phát triển năng lượng tái tạo

Thứ tư, 12/06/2019 20:03
(ĐCSVN) - Nhu cầu chuyển sang phát triển và đẩy mạnh năng lượng tái tạo đối với Việt Nam đã trở nên cấp thiết. Chuyển dịch sang phát triển năng lượng tái tạo không chỉ có ý nghĩa đối với ngành năng lượng mà chuyển dịch cả mô hình kinh tế...
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Chiều 12/6, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Đảm bảo an ninh năng lượng - Nền tảng phát triển bền vững”. Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận về: Nhu cầu và áp lực bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện nay; Những thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng; Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Nỗi lo an ninh năng lượng

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những vấn đề về an ninh hàng đầu của mỗi quốc gia. Tầm quan trọng của an ninh năng lượng đứng ở vị trí thứ 5 trong số 7 vấn đề an ninh: an ninh quốc phòng, an ninh chính trị - xã hội, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước và sinh thái, an ninh môi trường.

Ông cho biết, hiện nay, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 60.000 MW. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế phát triển mạnh như hiện nay, việc bảo đảm an ninh năng lượng theo hướng đủ đã là khó đối với Việt Nam. Bởi khi kinh tế- xã hội phát triển càng mạnh thì nhu cầu về năng lượng phải cao hơn. Theo đó, muốn bảo đảm kế hoạch năng lượng đến năm 2030 thì Việt Nam sản xuất năng lượng khoảng 40 triệu tấn than và sẽ phải đi nhập khoảng 80 triệu tấn than để đảm bảo cho an ninh năng lượng. “Nhưng Việt Nam chưa có lộ trình nhập than “dài hơi” như vậy. Vì thế, vấn đề an ninh năng lượng khó đảm bảo trong thời gian tới” – ông nhận định.

Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cũng nhìn nhận, nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra từ những năm 2020 là vấn đề hiện hữu được Tập đoàn Điện lực thừa nhận. Lí giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Khanh cho rằng nguồn điện đưa vào sử dụng theo dự kiến là 4.000-5.000 MW, nhưng nguồn này theo quy hoạch thì chủ yếu là nhiệt điện than. Theo báo cáo mới đấy nhất của Bộ Công thương, đa phần dự án chậm tiến độ là các dự án nhiệt điện than. Trả lời câu hỏi vì sao lại chậm?, bà cho rằng trước hết là do không huy động được tài chính, tiếp đó là khó khăn quy hoạch địa điểm, bởi còn có sự đồng thuận của địa phương hay không; cuối cùng là có những dự án đã quy hoạch được địa điểm nhưng vì khó khăn về vấn đề tài chính, thiếu nguồn than nhập khẩu.

Bà cũng chỉ ra rằng, có những nguồn mới là năng lượng tái tạo nhưng không được ưu tiên trong quy hoạch. Như vậy, một loạt nguồn năng lượng tái tạo, tính đến cuối tháng 6 này lên tới 5.000 MW điện mặt trời, nhưng bị vướng về vấn đề truyền tải, về vấn đề hoà lưới. Tức là có nguồn nhưng không có lưới điện để đưa đi. “Cả hai vấn đề này đều liên quan đến triết lý quy hoạch, chúng ta chọn việc phụ thuộc nhiều vào nguồn điện than mà chưa tính toán đến phương án đa dạng về an ninh năng lượng để có phương án bổ sung nguồn mới” – bà nói.

Vẫn theo bà Khanh, nhu cầu tăng cao mà nguồn cung giới hạn, rõ ràng chúng ta phải tìm nguồn khác. Bài toán sử dụng hợp lý và hiệu quả là vấn đề cần được xem xét, nguồn nhiên liệu đầu tiên cần phải được ưu tiên. Bà trao đổi: “Chúng ta đã có những chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này, đặc biệt đã có luật quy định, nhưng hiệu quả của việc ưu tiên đầu tư, chính sách, nỗ lực thực hiện trong vấn đề này cũng chưa được như mong muốn để có thể cắt giảm được nhu cầu. Đây cũng là lý do vì sao liên quan đến nhiều ngành sử dụng điện phát triển dẫn đến ngành điện phải chạy theo để đáp ứng cho những ngành tiêu tốn điện năng như sắt, thép, xi măng. Thực tế cho thấy việc rủi ro xuất phát từ việc không đủ nguồn là đúng, nhưng đó chưa phải là bức tranh toàn cảnh, để giải quyết được bức tranh toàn cảnh, tôi cho rằng xem ngược lại từ công đoạn quy hoạch”.

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Là người am hiểu rất kỹ về năng lược trong nước và quốc tế, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chia sẻ, các quốc gia muốn tăng trưởng 1% GDP thì phải tăng trưởng không đến 1% năng lượng, nhưng với nước ta, nếu tăng trưởng 7% GDP thì nhu cầu năng lượng tăng hơn 7%, nếu tăng trưởng 7,5% thì phải tăng trưởng 10,5% năng lượng.

Theo ông, vấn đề tiết kiệm là vấn đề cực kì quan trọng, hiện chúng ta sử dụng thiết bị cũ, hao tổn năng lượng quá mức cần thiết. Đặc biệt, thất thoát năng lượng trong quá trình vận chuyển và sử dụng, hướng vào các ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng như luyện kim, luyện thép… sử dụng điện, dầu khí lớn nhưng hiệu quả đem lại không cao.

Ông cũng nhấn mạnh, cốt lõi của vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo là vấn đề phải đầu tư cho công nghệ. Nếu mua toàn phần từ nước ngoài thì rất đắt nên chúng ta có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, mua linh kiện lắp đặt như pin mặt trời, tất cả chuỗi công nghệ đó phải từng bước tham gia vào một công đoạn trong đó.

Nhìn nhận về nhu cầu phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, bà Ngụy Thị Khanh khẳng định, kết quả nghiên cứu trong thời gian vừa qua của Trung tâm cho thấy nhu cầu chuyển sang phát triển và đẩy mạnh năng lượng tái tạo đối với Việt Nam đã trở nên cấp thiết. Bởi lẽ, việc chuyển dịch này không chỉ đang diễn ra ở những nước tiên tiến và nước phát triển nữa, mà gần đây cũng thấy ở một số nước đang phát triển như Nam Phi, Chi Lê… Chuyển dịch sang phát triển năng lượng tái tạo không chỉ có ý nghĩa đối với ngành năng lượng mà chuyển dịch cả mô hình kinh tế. Đây sẽ là cơ hội giúp Việt Nam có thể thu hút nguồn lực tài chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, bởi hiện nay các nguồn tài chính cho phát triển năng lượng hoá thạch đang bị giới hạn, đang bị nhiều ngân hàng cũng như nhiều tổ chức tài chính không xem xét nữa.

Đặc biệt, theo bà, ngoài vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như giảm nguy cơ ô nhiễm thì có thể nhìn thấy cơ hội trong vấn đề việc làm. Bà dẫn chứng, theo nghiên cứu gần đây của Viện Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành phân tích các kịch bản phát triển năng lượng khác nhau, tính toán cho thấy tỷ trọng năng lượng tái tạo cao hơn, có lợi ích cho vấn đề lao động việc làm, hệ số tạo việc làm của ngành năng lượng tái tạo là cao hơn so với 1 MW của điện. Điểm nữa là tạo ra cơ hội về mặt mục tiêu xã hội rất phù hợp với nỗ lực của Đảng và Nhà nước cho những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ở khía cạnh khác, từ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo ở các tỉnh mà Trung tâm đã đi nghiên cứu, bà cho rằng, việc này cũng mang lại cho các địa phương trong việc rút ngắn khoảng cách đầu tư. “Ninh Thuận, Bình Thuận là những nơi thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư cho năng lượng tái tạo, tỉnh Ninh Thuận cũng đang có đề án xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng tái tạo. Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi đó trong bức tranh phát triển” – bà ví dụ.

Từ thực tiễn, bà đề nghị cần ưu tiên các nguồn lực để cho các nhà khoa học tham gia vào thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn, ứng dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời tập trung vào chuỗi nghiên cứu và sản xuất ra những thiết bị chuyển đổi năng lượng hay là lưu trữ năng lượng để tăng tính cạnh tranh; kết nối với công nghệ thông tin để những thiết kế, sản xuất phần mềm điều khiển quản lý từ xa...

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội kiến nghị, Chính phủ, Quốc hội và các nhà chuyên môn nên chọn nguồn nào cho phù hợp với Việt Nam: năng lượng tái tạo, nhiệt điện than, thủy điện, năng lượng mặt trời…, giá thành rẻ, bảo vệ môi trường để bảo đảm mọi người dân ta có đủ điện để sử dụng và sản xuất.

Bà cho rằng, để lựa chọn nguồn nào thích hợp cho Việt Nam trong giai đoạn này hay giai đoạn khác, thì có liên quan đến vấn đề kinh tế và môi trường. Do đó, phải tính toán được các vấn đề như đầu vào của nhiệt điện than là bao nhiêu, công nhân bao nhiêu để có 1KW; rồi năng lượng mặt trời là bao nhiêu, năng lượng gió là bao nhiêu… “Cần phải tính toán cụ thể, minh bạch để tham mưu cho Chính phủ chọn loại hình nào cho phù hợp, vẫn bảo đảm an ninh năng lượng, sự hài hòa về môi trường, bảo đảm hưởng thụ - trong ngưỡng chịu được về giá của người dân” – bà đề nghị./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực