Đà Nẵng xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm năm 2016

Thứ ba, 17/01/2017 17:43
(ĐCSVN) - Sáng 17/1, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Theo đó, thành phố đã tiến hành 10.028 lượt thanh tra, kiểm tra với số tiền xử phạt trên 2,5 tỷ đồng trong năm 2016.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố Đà Nẵng, mỗi năm Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn rau, củ, quả; 45.912 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, số cơ sở chăn nuôi, giết mổ heo quy mô từ 50 con trở lên có 103 cơ sở, 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với tổng công suất 1 ngày đêm khoảng 60-70 trâu bò, 1.000 - 1.200 heo, 2400 - 2500 gia cầm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh:KS)

Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc ngành y tế quản lý đến nay là 3.579/3.722 cơ sở, đạt tỷ lệ 96%; nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối thực phẩm thuộc ngành Công thương quản lý là 462/1.240 cơ sở, đạt tỷ lệ 37,3%; nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý là 268/773 cơ sở, đạt 34,7%. Cơ sở dịch vụ ăn uống có đăng ký kinh doanh (3.355 cơ sở) triển khai tương đối tốt trong các nhà hàng, khách sạn, resort về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến và phục vụ ăn uống... Bên cạnh đó, 100% các trường học có bếp ăn tập thể, căng tin đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết thực hiện bảo đảm ATTP.

Về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, trong năm 2016, thành phố đã tổ chức 10.028 lượt, xử lý vi phạm ATTP 916 đối tượng, cảnh cáo 364 đối tượng với số tiền 2.547.090.000 đồng. Trong đó, thành phố đã tổ chức phối hợp giữa các lực lượng liên ngành tiến hành nhiều đợt kiểm tra cao điểm về ATTP như trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tháng hành động vì ATTP, các dịp lễ hội …

Theo đánh giá chung, công tác quản lý chất lượng ATTP đã đạt những kết quả đáng kể, trong đó bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP đang từng bước được hoàn thiện từ thành phố xuống đến quận, huyện. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, góp phần giảm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm ATTP và bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực này. Cụ thể, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP các tuyến còn mỏng và phần lớn kiêm nhiệm; nguồn nhân lực quản lý, thanh tra còn hạn chế. Ngoài ra việc kiểm soát ATTP trong toàn chuỗi cung ứng thực phẩm chưa đạt yêu cầu, chưa kiểm soát được các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng hàn the, phẩm màu và các chất bảo quản độc hại...

Chính vì vậy, ông Đặng Việt Dũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan cần khẩn trương bổ sung các cán bộ chuyên trách để tham gia vào công tác bảo đảm ATTP, mà trước mắt Sở Y tế phải có 1 Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực này. Trong năm 2017, lực lượng liên ngành cần có kế hoạch tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống cũng như các cơ sở sản xuất để kịp thời phát hiện những trường hợp vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm các quy định về ATTP. Đặc biệt, thành phố cần có cơ chế công khai danh tính của các cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn cũng như những cơ sở vi phạm để người dân được biết. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATTP để người dân chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực