Công đoàn Dầu khí Việt Nam chăm lo đời sống người lao động

Thứ năm, 25/02/2016 08:42
(ĐCSVN) - Cuộc khủng hoảng do giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của rất nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Trong bối cảnh ấy, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực để người lao động yên tâm làm việc và có cái Tết đủ đầy.

 

Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Nghiêm Thùy Lan (giữa) tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
 thăm công nhân đang lao động ngoài giàn khoan ngày mùng 2 Tết Nguyên đán

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động

Bà Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, giá dầu giảm sâu khiến đời sống, việc làm của người lao động trong ngành bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh tại một số giàn khoan hoạt động cầm chừng, công nhân nghỉ việc luân phiên, ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Hiện nay, tại các đơn vị khâu đầu (thăm dò, khai thác), khâu dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm 2015, trong điều kiện khó khăn, Công đoàn dầu khí đã làm tốt vai trò là người đồng hành, là chỗ dựa vững chắc của người lao động. Công đoàn đã kiến nghị và đề xuất với Tập đoàn nhiều giải pháp tối ưu nhằm giải quyết vấn đề nợ lương, bảo hiểm tại các đơn vị khó khăn; xuống đơn vị cùng lãnh đạo chuyên môn tìm cách tháo gỡ vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình tái cấu trúc; Tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua, chú trọng tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo động lực mạnh mẽ để người lao động yên tâm công tác, hăng hái lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi nhiều tỷ đồng cho đơn vị.

Công đoàn luôn đồng hành cùng chuyên môn để chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nhằm tránh tối đa những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản trong sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Công đoàn Dầu khí đã chỉ đạo các công đoàn trực thuộc đẩy mạnh và làm tốt công tác đối thoại định kỳ với người sử dụng lao động để nắm bắt, cũng như giải đáp các ý kiến thắc mắc của người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật cho người lao động, thành lập các tổ tư vấn pháp luật ở các công đoàn cơ sở nhằm giải quyết tận gốc tại cơ sở về những thắc mắc, yêu cầu, chế độ chính sách cho người lao động.

Công đoàn phối hợp với Hội Dầu khí Việt Nam làm việc trực tiếp với các đơn vị. Qua đó lắng nghe được rất nhiều những kiến nghị, khó khăn vướng mắc của các đoàn viên công đoàn.

Để người lao động có cái Tết đủ đầy

Bà Nghiêm Thùy Lan cũng cho biết, các chế độ về lương, thưởng và đặc biệt là chăm lo Tết được thực hiện nghiêm túc. Ngay từ đầu tháng 10/2015, Công đoàn Dầu khí đã ký công văn liên tịch với Tổng Giám đốc tập đoàn để chỉ đạo tất cả đơn vị phải quan tâm đến đời sống, việc làm, lương, thưởng Tết cho người lao động. Công đoàn Dầu khí đã trực tiếp đến những công trường, công trình, giàn khoan… nơi người lao động vẫn ngày đêm miệt mài làm việc trong những ngày Tết để động viên, tặng quà. Một mặt, tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết gia đình các công nhân lao động ấy. Tổng chi phí cho các hoạt động tặng quà, hỗ trợ, chia sẻ của công đoàn dầu khí trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua là khoảng 5 tỷ đồng.

Bà Nghiêm Thùy Lan trao quà Tết cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn

Ngoài sự chỉ đạo của Công đoàn Dầu khí, ngoài kinh phí trực tiếp của Công đoàn ngành, Công đoàn các đơn vị cũng trực tiếp tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người lao động khó khăn, chờ việc luân phiên, người lao động có thu nhập thấp.

Về phía chuyên môn, lãnh đạo các đơn vị cũng có rất nhiều hình thức chăm lo đời sống cho người lao động ví dụ như tổ chức gói bánh chưng, tặng quà tết, thăm hỏi người thân... Tại những đơn vị có người lao động làm việc tại các dự án ở xa Tổ quốc, vùng sâu, vùng xa như ở Tổng công ty thăm dò và khai thác Dầu khí, Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro)... đều có những đoàn chuẩn bị quà tết, các phần quà để đến thăm, động viên gia đình các cán bộ, công nhân viên đang vắng nhà ngày Tết. Ngay trong những ngày đầu năm (vào mùng 2 Tết Nguyên đán vừa qua), Công đoàn Dầu khí cũng đã tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra thăm cán bộ, công nhân viên đang làm việc ngoài giàn khoan để kịp thời động viên, chia sẻ.

Cùng với đó, Công đoàn Dầu khí đã chỉ đạo các đơn vị, nhất là ở các đơn vị khó khăn phải làm rất tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động, chia sẻ với người lao động để họ hiểu rõ được những khó khăn, thách thức mà đơn vị và Tập đoàn đang gặp phải họ cùng chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức.

Lấy ví dụ cụ thể về việc chăm lo đời sống cho người lao động, bà Nghiêm Thùy Lan cho biết, hiện nay như ở Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) có 6 giàn thì có đến 3 giàn là công nhân đang phải chờ việc, nghỉ việc luân phiên bởi giá dầu giảm sâu, khai thác cầm chừng, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã trích 130 triệu đồng hỗ trợ người lao động nghỉ chờ việc quá 3 tháng trong dịp Tết vừa qua.

Bà Nghiêm Thùy Lan phân tích thêm, cùng là ảnh hưởng giá dầu giảm sâu, nhưng tại các đơn vị dầu khí nước ngoài họ ngay lập tức giảm biên, chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam có chính sách ưu việt hơn là người lao động nghỉ chờ việc luân phiên, nhưng vẫn đảm bảo lương thu nhập cơ bản. Trong dịp Tết thì cả đơn vị, Công đoàn đơn vị, Công đoàn ngành, Tập đoàn Dầu khí quốc gia đều có những chế độ chính sách và quà Tết đến những công nhân lao động chờ việc, đảm bảo để cho người lao động có cái tết đủ đầy.

Bên cạnh đó, tại các đơn vị có doanh thu cao đều có sự hỗ trợ quay trở lại đối với các đơn vị khó khăn trong Tập đoàn bằng nhiều hình thức như: tặng quà Tết, làm công tác an sinh cho các đơn vị, mà trực tiếp là giúp cho người lao động các đơn vị khó khăn thấy được sự đùm bọc, sẻ chia trong giai đoạn khó khăn.

Tìm hiểu thực tế ở đơn vị khó khăn do ảnh hưởng giá dầu giảm tại Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, đơn vị hiện đang có khoảng 200 người đang chờ việc luân phiên, cùng với việc bảo đảm giữ nguyên lương cơ bản, đơn vị đã chủ động tìm kiếm những việc làm phù hợp trong lúc chờ đợi cho người lao động để tăng thu nhập và phát huy tính năng động, sáng tạo cho công nhân, tạo tâm lý thoải mái cho người lao động. Đồng thời, bố trí công việc luân phiên để người lao động vẫn có việc làm và thu nhập.

Công tác tuyên truyền được làm tốt, người lao động PV Drilling hiểu được tình hình và cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ với lãnh đạo Tổng Công ty. Để tạo được tâm lý đó, ngay từ những khi hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển, PV Drilling đã không chỉ quan tâm đến người lao động mà cả người thân của người lao động nên cũng đã kịp thời động viên họ yên tâm lao động, cống hiến.

Năm 2015, PV Drilling là 1 trong 49 doanh nghiệp được nhận danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng. 

Là một trong số người lao động nghỉ chờ việc của PV Drilling, kỹ sư Đào Viết Tuấn thuộc đơn vị Công ty TNHH MTV Địa vật lý giếng khoan dầu khí (PVD Logging) chia sẻ: “Với tình hình giá dầu giảm sâu, không chỉ ở trong nước mà trên thế giới, rất nhiều công ty đã phải cắt giảm nhân sự tối đa, hàng trăm ngàn người lao động bị mất việc làm. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhờ chính sách hỗ trợ của tổng công ty, đặc biệt là tổ chức công đoàn mà CBCNVC-LĐ như chúng tôi vẫn còn được nằm trong diện nghỉ chờ việc. Không những vậy, ban lãnh đạo, tổ chức công đoàn vẫn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động bằng việc tổ chức những buổi liên hoan, gặp gỡ cuối năm, chúc tết và có những phần quà động viên chúng tôi trong thời điểm khó khăn nhất. Đó là một văn hóa rất riêng, giàu tính nhân văn của người lao động ngành Dầu khí”./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực