Cảnh giác với những hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường

Thứ năm, 23/03/2017 14:46
(ĐCSVN) – Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa đưa ra cảnh báo về các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan trong năm 2017. “Hiểu biết về mây” được WMO chọn là chủ đề Ngày Khí tượng thế giới (23/3) năm nay.

 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới và những hiện tượng thời tiết năm 2017.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia 
Ảnh: BL

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết tại sao năm nay WMO lại chọn chủ đề Ngày Khí tượng thế giới là “Hiểu biết về mây”?

Ông Lê Thanh Hải: Tổ chức Khí tượng thế giới chọn chủ đề Ngày Khí tượng năm nay là mây. Bởi mây là biểu hiện quan trọng trong chương trình tuần hoàn nước và tất cả các hiện tượng trong khí quyển đều biểu hiện qua mây. Mỗi loại mây lại gắn với một hiện tượng. Như vậy, càng hiểu biết sâu sắc về mây, các hình thái thời tiết gây ra mây thì chúng ta sẽ có những dự báo tin cậy về các loại hình thời tiết.

Ví dụ như một đám mây gây ra trận giông lớn ở Hà Nội ngày 13/6/2015. Trong trận giông này, ước tính trọng lượng nước trong đám mây vào khoảng 400 ngàn tấn. Điều này cho thấy lượng nước của mây rất lớn. Mây càng dày thì mưa càng lớn, mây càng phát triển thì khả năng mang lại lượng nước của nó càng nhiều… Qua đây cho thấy, nếu hiểu biết về mây chúng ta sẽ phân biệt được các hiện tượng, các loại hình thời tiết gây ra lượng mưa.

Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới, năm 2017, WMO đã phát hành nên một Atlat mới –  bản đồ mới về mây, nhằm đưa ra những hướng dẫn đề các quan trắc viên trên toàn thế giới thống nhất một hình thức quan trắc mây. Qua đó, các quan trắc viên tại Việt Nam cũng như quan trắc viên  tại Anh, Mỹ… đều có hiểu biết về phân loại mây giống nhau để có nhận dạng đầy đủ về mây theo một một chuẩn mực của thế giới.

PV:  Như vậy, qua hình thái của mây có thể dự báo về các hiện tượng thời tiết sắp xảy ra. Với những hình thái của mây vào những tháng đầu năm 2017, ông có dự báo gì về các hiện tượng thời tiết sắp tới?

Ông Lê Thanh Hải: Dự báo mới nhất của chúng tôi đến thời điểm này cho thấy, đầu tháng 3/2017 hiện tượng Elnino đang có khuynh hướng trở lại nhưng yếu. Bắt đầu từ tháng 5,6,7/2017 nhiều khả năng hiện tượng Elnino sẽ quay trở lại với xác suất lên tới 60-70%. Như vậy, mùa hè và mùa thu năm nay Elnino trở lại nhưng yếu. Hiện tượng này cho thấy, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ đến, có khả năng sẽ có những cơn bão mạnh và siêu bão sẽ xuất hiện.

Về mưa năm nay, lượng mưa trái mùa sẽ nhiều, còn mưa chính mùa sẽ ở mức ít hơn so với trung bình năm. Nếu Elnino hoạt động mạnh, lượng mưa sẽ thiếu hụt so với trung bình năm. Về nắng nóng năm nay được dự báo là nhiều khả năng sẽ nóng hơn so với trung bình năm.

Tất cả những hiện tượng này là những cảnh báo đầu tiên nên chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến về Elnino để đưa ra những dự báo xa về tình hình thời tiết năm nay. Nếu Elnino còn tiếp diễn đến mùa thu và mùa đông thì chúng ta có thể thấy mùa khô sắp tới sẽ diễn ra nhiều hiện tượng khốc liệt như hạn hán, xâm nhập mặn…

Ngoài ra, như chúng ta đã thấy do biến đổi khí hậu, gần đây có rất nhiều các hiện tượng cực đoan khó lường. Ví dụ, năm 2015 có trận mưa kỷ lục ở Quảng Ninh với lượng nước vào khoảng 1.500 mm trong 10 ngày, tương đương với 2/3 tổng lượng mưa của cả năm. Hay, trận lũ lụt năm 2016 ở miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ... đều cho thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhiều với tần suất lớn. Và có lẽ chúng ta vẫn phải tiếp tục đương đầu với những hiện tượng cực đoan, khó lường sắp tới sẽ diễn ra trong năm 2017 như nắng nóng, bão mạnh hay siêu bão…

PV: Trong khoảng thời gian này, người dân miền Bắc đang phải hứng chịu những ngày nồm, ẩm rất khó chịu. Ông có thể cho biết hiện tượng này sẽ kéo dài bao lâu?

Ông Lê Thanh Hải: Hiện nay ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và đặc biệt Đồng bằng Bắc Bộ, Trung du vẫn đang trong thời kỳ nồm ẩm. Nhưng có lẽ quá trình nồm ẩm này sẽ thưa bớt đi, khoảng 5,6 ngày sẽ diễn ra một lần sau đó 3,4 ngày nắng ấm rồi đến nồm ẩm…

PV: Với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt được dự báo trong năm nay, công tác dự báo được triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thời tiết, đặc biệt là hiện tượng Elnino có khuynh hướng quay trở lại trong mùa hè, mùa thu năm nay. Như vậy, công tác dự báo khí tượng phải đảm bảo chặt chẽ.

Tuy nhiên, phải thấy rằng các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên thường có những diễn biến khó lường, tùy vào tính chất, mức độ của các hiện tượng mà có được thời hạn dự báo .

Ví dụ, hạn hán, xâm nhập mặn và những hiện tượng có quy mô lớn thì có thể dự báo trước được từ 3-6 tháng, nhưng 1 cơn giông chỉ có thể dự báo trước được sớm vài tiếng. Thậm chí cơn giông ở Hà Nội xảy ra năm vừa rồi chỉ có thể dự báo trước được 20 phút. Như vậy, tùy vào hiện tượng mà có sự theo dõi chặt chẽ và qua phương tiện truyền thông để thích ứng cho phù hợp nhằm giảm tối đa những thiệt hại trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực