Cần Thơ chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Thứ sáu, 12/01/2018 16:06
(ĐCSVN) – Hiện Nam bộ đã bước vào mùa khô, do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nên tình hình xâm nhập mặn cũng trở nên khó lường. Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, TP.Cần Thơ đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó.

Trong đó các giải pháp khai thác, bảo tồn và sử dụng nguồn nước hợp lý trong thời kỳ hạn hán, xâm nhập mặn được TP.Cần Thơ thực hiện và từng bước mang lại hiệu quả cao. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ, mặc dù cách cách bờ biển hơn 65km, tuy nhiên, những năm gần đây, khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng nguồn nước trên sông của TP.Cần Thơ.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng dến sản xuất lúa ở ĐBSCL (Ảnh: K.V)

Những năm gần đây, độ mặn 2,05‰ đã xuất hiện trên sông Hậu thuộc địa bàn TP.Cần Thơ. Độ mặn này vượt mức cho phép đối với nước ăn uống và ảnh hưởng sinh trưởng một số hoa màu, thủy sản... Nguyên nhân độ mặn tăng lên do mực nước biển tăng làm hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng tăng nhanh, lấn sâu trên các sông, rạch thuộc địa bàn Thành phố, ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt, sản xuất của người dân…

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong những tháng đầu năm 2018, sông rạch tại TP.Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, biến động khó lường, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất tại địa phương. Đồng thời, có thể làm mặn gia tăng sớm, cần chủ động các giải pháp quản lý nước.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, từ năm 2010 đến nay xâm nhập mặn đến sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng so với trước đây và khả năng kéo dài hơn, độ mặn đầu mùa khô có khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn trước đây. Do đó, cơ cấu mùa vụ truyền thống, quy hoạch sản xuất của các vùng thay đổi. Lúa, cây ăn trái, rau màu… giảm năng suất do thiếu nước; chi phí sản xuất tăng do sử dụng bơm tát tận dụng nguồn nước, đắp đập ngăn mặn.

Tại Cần Thơ, hầu hết nông dân sử dụng nước sông để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... , chính vì vậy khi xâm nhập mặn gay gắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân nơi đây. Chính vì vậy, để ứng phó và thích nghi với độ nhiễm mặn, người dân cần chủ động tích trữ nước ngọt, tìm nguồn thay thế, thay đổi biện pháp canh tác và phương pháp sản xuất, xây dựng… rất cần thiết. Mặt khác, các ngành chức năng cần nâng cao kiến thức về nguy cơ, tác động của nhiễm mặn và cung cấp thông tin về độ mặn của nguồn nước tại địa phương cho người dân và các ban, ngành liên quan để kịp thời ứng phó, xây dựng các chiến lược thích ứng…

Tại TP.Cần Thơ, Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP.Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra” đã được triển khai nhiều năm nay. Đây là dự án nhằm từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu của Thành phố, giúp tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra; củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng. Hiện 8 trạm quan trắc độ mặn tự động đang hoạt động khá tốt, cung cấp thông tin kịp thời khi mặn xâm nhập tại các con sông, rạch chính trên địa bàn.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng đã khuyến cáo, ngay lúc này các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP.Cần Thơ nói riêng cần phải tích trữ nguồn nước ngọt ngay bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh, rạch; thực hiện quyết liệt hành động chống hạn như khai thông dòng chảy, xây dựng ao hồ chứa nước ngọt... Đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý.

Ở một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần tìm loại cây trồng thay thế chịu hạn, ít sử dụng nước. Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cần có chiến lược cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa…

Được biết, những năm gần đây, dòng chảy thượng lưu sông Mekong về  Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Điều này dễ dẫn đến xâm nhập mặn các địa phương ở vùng hạ lưu, trong đó có TP.Cần Thơ. Để có thông tin kịp thời về mặn xâm nhập, các TP.Cần Thơ thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mặn của cơ quan chức năng. Từ đó có kế hoạch triển khai ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại trong sản xuất.../.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực