Cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền ứng phó với siêu bão Mangkhut

Thứ sáu, 14/09/2018 20:43
(ĐCSVN) - Ngày 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành Công văn hoả tốc số 150/TWPCTT về việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền ứng phó với siêu bão Mangkhut.
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của siêu bão Mangkhut (Nguồn: nchmf.gov.vn)


Hiện nay, siêu bão Mangkhut mạnh cấp 17, giật trên cấp 17 trên vùng biển Philippin và đang di chuyển hướng vào biển Đông. Theo dự báo, khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ trong ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong khoảng ngày 17-19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 17-19/9.

Để chủ động ứng phó với bão mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chỉ đạo, triển khai tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho chính quyền cơ sở và người dân một số nội dung sau:

Chỉ đạo, hướng dẫn Đài Phát thanh và truyền hình các cấp tăng cường thời lượng phát sóng trên truyền hình và hệ thống phát thanh, đặc biệt tại cấp xã để thông tin kịp thời tới người dân. Rà soát hệ thống truyền thanh tại cấp cơ sở đảm bảo hoạt động tốt.

Nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung phản ánh tình hình diễn biến bão, mưa lũ, thông tin cảnh báo, dự báo, công điện, văn bản chỉ đạo điều hành ứng phó với bão của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chính quyền các cấp tại địa phương. Hướng dẫn người dân theo dõi diễn biến tình hình bão, mưa lũ, những việc nên làm và không nên làm (chủ động chằng chống nhà cửa, gia cố lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo an toàn tàu thuyền, sẵn sàng sơ tán đến địa điểm an toàn,…); công tác bảo vệ đê điều và chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng ứng phó giờ đầu khi có sự cố. Nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi có bão. Tổ chức lực lượng xung kích tại cơ sở tham gia ứng phó với bão, mưa lũ. Kiểm tra, rà soát tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; cắm biển cảnh báo; tổ chức tuần tra, canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấp vớt củi khi có lũ.

Đa dạng hoá phương thức tuyên truyền bằng hệ thống truyền thanh, truyền hình tại các cấp, đặc biệt cấp xã, hệ thống loa truyền thanh cố định hoặc tổ chức đội tuyên truyền lưu động; qua báo chí, mạng xã hội và các hình thức thông tin đại chúng khác.

Trong trường hợp cần thiết, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động mặt đất tại các địa phương thực hiện nhắn tin cảnh báo, tuyên truyền tới các thuê bao di động phòng tránh, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và các đảo.

Phát một số phim, video, tài liệu hướng dẫn về phòng tránh bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn neo đậu tàu thuyền và nuôi trồng thuỷ sản đã được đăng tải trên Website của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đồng thời gửi qua thư điện tử với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố.

Đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, cơ quan truyền thông khai thác, sử dụng và tăng cường hướng dẫn cho người dân tại địa phương./.

 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực