Cải cách bảo hiểm xã hội cần có tầm nhìn dài

Thứ năm, 30/11/2017 12:45
(ĐCSVN) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cải cách bảo hiểm xã hội cần phải có tầm nhìn dài 30-40 năm vì độ trễ chính sách rất dài nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách…

Ngày 29/11, tại Hà Nội, và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; ông Chang-hee Lee, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Hội thảo diễn ra sáng 29/11 (Ảnh: MD)

Nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cả nước hiện có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi và 27% lao động ngoài độ tuổi. Trên 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 21% số lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Năm 2016, ước thu BHXH đạt 174,5 nghìn tỷ đồng tăng 7 lần so với năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chính sách BHXH cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập”. Diện bao phủ BHXH còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về BHXH bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức và tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức. Hiện tại có từ 6-7 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu.

Trong khi đó, Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho rằng: “Thách thức là làm thế nào có thể mở rộng độ bao phủ đến “nhóm ở giữa bị bỏ sót” – nhóm người không được tiếp cận cả với BHXH và trợ giúp xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến tháng 9/2017 mới có hơn 14,6 triệu lao động tại Việt Nam tham gia hệ thống BHXH, chiếm khoảng một phần tư lực lượng lao động.”

Theo ông, để mở rộng bao phủ tới người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hợp đồng ngắn hạn và những người làm việc không trên cơ sở quan hệ lao động đòi hỏi phải có sự đột phá về cách làm. Điều quan trọng là mở rộng bao phủ an sinh xã hội tới lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức để chính thức hóa và cải thiện điều kiện công việc của họ.

ILO khuyến nghị Việt Nam mở rộng an sinh xã hội cho những người trong khu vực phi chính thức thông qua kết hợp giữa chương trình có đóng góp và chương trình không dựa trên đóng góp nhằm hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân. 

“Thành công của việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế cho thấy nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của BHXH là có thể thực hiện được,” người đứng đầu ILO Việt Nam cho biết.

Quỹ hưu trí, tử tuất của Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khó cân đối trong tương lai gần. Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ thay thế (hưởng) cao (tỷ lệ hưởng tối đa 75%) và tuổi nghỉ hưu thấp, gia tăng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần, số lượng người nghỉ hưu trước tuổi khá lớn do suy giảm khả năng lao động và các yếu tố đặc thù khác như ưu đãi ngành nghề.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: “Việc cải cách tham số nhằm hướng tới tương quan đóng - hưởng trong chính sách hưu trí đã được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và gần đây nhất là Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2014. Tuy nhiên, trước bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho quỹ hưu trí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó cân đối trong dài hạn.”

ILO khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện cải cách tham số, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế.

Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng cần xây dựng một hệ thống BHXH đa tầng dựa trên các kinh nghiệm tích cực từ mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế.

Ông cũng khẳng định “Dư địa tài khóa để mở rộng an sinh xã hội luôn tồn tại dù ở các quốc gia không có tiềm lực tài chính mạnh. Chính phủ Việt Nam cần khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội”.

Cải cách BHXH cần có tầm nhìn dài

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chính sách BHXH phải song hành và đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Đầu tư cho BHXH là đầu tư cho con người, phát triển bền vững chứ không phải phát triển thuần túy được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao và sự đồng hành của cả xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, phải coi BHXH là trụ cột an sinh xã hội nhưng được lồng ghép trong các chương trình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, “trọn gói” các chính sách cải cách BHXH, liên quan tới các chính sách kinh tế-xã hội khác và thị trường lao động. Cải cách chính sách BHXH song hành với cải cách bộ máy cơ quan thực hiện chính sách là hệ thống quản lý Quỹ BHXH. Đồng thời phải bảo đảm lộ trình cải cách BHXH gắn với khả năng kinh tế và ngân sách nhà nước; tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ rủi ro và bảo đảm bền vững Quỹ BHXH, nhất là Quỹ hưu trí.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn mở rộng diện bao phủ BHXH phải tập trung phát triển kinh doanh, sản xuất, mở rộng thị trường lao động, “minh bạch hoá” nền kinh tế phi chính thức để tạo ra các quan hệ lao động - quan hệ “đóng-hưởng” BHXH cùng với sự hỗ trợ tham gia BHXH của nhà nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, cải cách BHXH cũng cần phải có tầm nhìn dài 30-40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách. Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh. Ngoài ra cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa việc đóng BHXH, giảm thời gian đóng BHXH (hiện tại là 20 năm) để thu hút người tham gia…/.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực