Áp dụng thống nhất tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ

Thứ sáu, 19/07/2019 17:58
(ĐCSVN) - Bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ gồm 6 cuốn về chủ đề kỹ thuật sơ cấp cứu; phương pháp huấn luyện sơ cấp cứu, kỹ năng quản lý huấn luyện sơ cấp cứu sẽ được áp dụng thống nhất trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành phố, các trung tâm/cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.

Ngày 19/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu Chương trình và Tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu Chương trình và Tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; chia sẻ với các cơ quan, đối tác về các hoạt động sơ cấp cứu Chữ thập đỏ để tăng cường hợp tác trong thực hiện mô hình dịch vụ sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; thống nhất công tác huấn luyện sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gồm 4 cấp độ huấn luyện: tình nguyện viên cấp I và người dân, tình nguyện viên cấp II, hướng dẫn viên và tập huấn viên.

Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ĐT)

Sơ cấp cứu là một trong những hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ năm 2008. Tính đến hết năm 2018, toàn hội có trên 400 trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được ngành Y tế cấp phép hoạt động; trung bình mỗi năm trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho khoảng 100.000 người. Hoạt động đào tạo và phát triển mạng lưới tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu trong hệ thống hội được chú trọng. Hiện toàn hội có 10 trung tâm/cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội.

Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, căn cứ Thông tư số 17 của Bộ Y tế ban hành ngày 2/6/2014 về việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiến hành chuẩn hóa chương trình, bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ đã được Bộ Y tế chính thức phê duyệt, ban hành.

Bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ gồm 6 cuốn về chủ đề kỹ thuật sơ cấp cứu; phương pháp huấn luyện sơ cấp cứu, kỹ năng quản lý huấn luyện sơ cấp cứu. Tài liệu sẽ được áp dụng thống nhất trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành phố, các trung tâm/cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ để chuẩn hóa công tác huấn luyện, đào tạo sơ cấp cứu, góp phần phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, để người dân có thể tự cứu mình và hỗ trợ người khác trong những trường hợp khẩn cấp.

Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo phát triển đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ, đẩy mạnh hoạt động huấn luyện sơ cấp cứu cho cộng đồng; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ, đảm bảo điều kiện để huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên chữ thập đỏ, người dân tại cộng đồng; củng cố, phát triển hệ thống trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại các điểm đen về tai nạn giao thông, đuối nước. Hội Chữ thập đỏ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động tại các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, giáo viên, học sinh, sinh viên trong trường học và người dân tại cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng, đối tác tăng cường các hoạt động truyền thông phòng tránh tai nạn thương tích...

Diễn tập sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ. (Ảnh: TL)

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh sự cần thiết triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông, đuối nước. Theo đó, cần có phương án làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, quan trọng nhất là việc trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, để họ tự sơ cứu cho mình trước khi đến các cơ sở y tế.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, tại Việt Nam, tai nạn thương tích là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ tử vong và thương tích cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, trong đó tai nạn giao thông đường bộ và đuối nước là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), năm 2018 cả nước có 1.226.704 trường hợp mắc tai nạn thương tích, trong đó có 9.745 trường hợp tử vong, chiếm tỉ lệ 0,73% so với tổng số mắc tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31%, tự tử 11,45%, tai nạn lao động 6,81%./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực