Kinh nghiệm “sống chung với lũ” ở Tân Hóa

Thứ năm, 15/08/2019 16:11
(ĐCSVN) - Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng lo” cùng với sự quan tâm, chủ động của chính quyền địa phương và những mô hình sống chung với lũ hữu hiệu nên bà con vùng rốn lũ Tân Hóa luôn vững tâm trong mùa bão lũ./.
Ông Thái Văn Lực giới thiệu về căn nhà nổi của gia đình.

 Địa hình xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình tương đối thấp, bao quanh xã là những dãy núi đá vôi sừng sững và được ví như một cái túi đựng nước. Do vậy, hầu như năm nào địa phương cũng bị ngập lụt, đặc biệt trong cơn lũ lịch sử năm 2010 và 2011, 2018… 7/7 thôn của xã Tân Hóa ngập chìm trong biển nước và bị cô lập nhiều ngày nhưng tính mạng, tài sản và đời sống bà con nhân dân vẫn được bảo đảm.

Được như vậy là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương và từng hộ gia đình nơi đây luôn chủ động làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ”. Ngoài sự chủ động của chính quyền địa phương thì từng hộ gia đình ở Tân Hóa đã có những cách làm để sống chung với lũ, trong đó mô hình nhà nổi được đánh giá hết sức tối ưu trong mọi tình huống mưa lũ ở địa phương.

Cùng đoàn cán bộ UBND huyện Minh Hóa và xã Tân Hóa đi kiểm tra công tác chuẩn bị đón đầu mùa bão lụt năm 2019, đi đến đâu chúng tôi cũng được chứng kiến sự chủ động đối phó với bão lũ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Mặc dù thời điểm này ở huyện Minh Hóa đang đối mặt với đợt nắng kỷ lục, nhưng không vì thế mà cấp ủy, chính quyền và người dân chủ quan trong công tác chuẩn bị phương tiện, vật chất đối phó bão lũ. Theo đó, từ cấp xã đến các thôn xóm kế hoạch phòng, chống bão lụt được xây dựng chi tiết, cụ thể đến từng vấn đề nhỏ nhất, như địa điểm, lực lượng sơ tán người, tài sản… khi xảy ra lũ lớn. Các gia đình hầu hết nhà nào cũng đều có một phương tiện để “sống chung với lũ”. Nhà nào có điều kiện thì làm nhà nổi còn những gia đình còn khó khăn thì chuẩn bị một bè mảng hoặc một thuyền gỗ. Trên những phương tiện này các vật chất như sách vở, đồ dùng, lương thực, thực phẩm, củi khô hoặc bếp ga mi ni... đều đã sẵn sàng bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình từ 7 – 10 ngày. Hệ thống chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm ở các thôn đều được quy hoạch nuôi nhốt tập trung ở những khu đồi cao từ trước.

Trao đổi với ông Ngô Thanh Đa, Chủ tịch UBND, Trưởng ban phòng, chống lụt bão xã Tân Hóa, chúng tôi được biết các kế hoạch, phương án tổ chức sử dụng lực lượng và phương tiện, vật chất hậu cần, lương thực thực phẩm... đều xây dựng chi tiết đến từng tổ liên gia, từng thôn. Ngoài lực lượng thường trực tại xã thì ở các thôn đều có một tiểu đội dân quân và đoàn thanh niên thường xuyên túc trực, ứng cứu những ngày mưa bão. Lực lượng này hàng năm được huấn luyện về phương pháp cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thường xảy ra đối với địa phương, còn những người được phân công nhiệm vụ lái thuyền đò đều đã qua lớp tập huấn chương trình lái tàu thuyền do tỉnh tổ chức. Về vật chất, phương tiện thì hiện nay toàn xã có hai khu nhà tránh lũ và hai trường học 3 tầng dùng để sơ tán người già, trẻ nhỏ trong những tình huống khẩn cấp và gần 400 thuyền đò các loại và 257 bè mảng, 37 nhà nổi, gần 500 áo pháo và phao cứu sinh.

Lực lượng dân quân xã Tân Hóa giúp nhân dân kiểm tra, tu sửa nhà nổi trước mùa mưa bão.

Vào thăm gia đình ông Thái Văn Lực ở thôn 3, ngoài khu nhà kiên cố được thiết kế một gác xép để sơ tán vật chất trong tình huống nước lũ thấp thì gia đình tự làm một nhà nổi có diện tích hơn 40m2. Ngôi nhà nổi này được thiết kế thành hai tầng, gồm có 6 cột, 2 gian, phần mái và xung quanh được lợp bằng tôn. Tầng trên và tầng dưới cách nhau gần 1m. Hệ thống kèo, rường, xà, cột của mỗi tầng được gắn chặt với nhau. Tầng trên được lát ván bảo đảm cho việc sinh hoạt hàng ngày trong những ngày mưa lũ. Giữa tầng trên và tầng dưới được gắn 18 cái thùng phuy, đủ chịu tải trọng khoảng 4 tấn. Hệ thống thùng phuy có chức năng như một cái phao lớn làm cho ngôi nhà tự động nổi lên khi nước dâng  và hạ xuống khi nước rút. Trong ngôi nhà này gia đình đã chuẩn bị các vật chất, nhu yếu phẩm đủ cho cả nhà dùng trng thời gian 10 ngày. Còn các vật dụng khác đều được gia đình chuyển lên gác xép.  

Ông Thái Văn Lực cho biết: “Địa phương chúng tôi hầu như năm nào cũng bị ngập lụt. Những năm trước đây để chống chọi với mưa lũ các gia đình trong thôn chủ yếu là sử dụng phương tiện bè mảng, thuyền nan nhưng qua các đợt lũ lớn kéo dài nên số lương thực, thực phẩm dự trữ không đủ và bà con sống trên các bè mảng tương đối vất vả. Để “sống chung” với những đợt lũ lớn kéo dài, gia đình tôi đã làm ngôi nhà nổi này, kinh phí gần 20 triệu đồng. Gia đình chủ yếu lo vật liệu còn ngày công đều được lực lượng dân quân và đoàn thanh niên giúp đỡ”. Ông Trương Xuân Toán, Trưởng thôn 3 cho biết thêm, tùy thuộc vào hoàn cảnh và số lượng nhân khẩu để từng gia đình để làm những căn nhà nổi phù hợp. Có gia đình ít người chỉ làm ngôi nhà khoảng 10 m2 với số lượng từ 6 – 8 thùng phuy còn những gia đình có điều kiện, đông người thì làm ngôi nhà có diện tích lớn hơn. Nhiều gia đình còn đặt ngôi nhà nổi trên ngôi nhà mái bằng và chằng néo cẩn thận đề phòng gió bão. Được biết, cùng với sự chủ động trong công tác phòng chống bão lũ, kinh nghiệm làm ngôi nhà nổi để sống chung với lũ ở xã Tân Hóa hết sức hiệu quả. Chính nhờ những căn nhà nổi này nên bà con nhân dân địa phương đã chủ động lương thực, thực phẩm trong những đợt lũ lớn dài ngày, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng nhất là người già và trẻ nhỏ trong các tình huống lũ lên nhanh.

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực