Vĩnh Phúc: Những thành tựu xã hội sau 20 năm tái lập tỉnh

Thứ năm, 22/12/2016 18:31
(ĐCSVN) – Sau 20 năm tái lập tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi thay, từ hệ thống giao thông, trang thiết bị y tế, đến giải quyết việc làm và an sinh xã hội ngày càng được chú trọng và đã có những bước tiến đáng kể.

Diện mạo kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi thay (Ảnh: A.N)

Giờ đây, các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp, tuyến đường quan trọng qua các địa phương được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống đường đô thị đã được cứng hóa; 90,1% tuyến đường giao thông nông thôn, 55% tuyến đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa, 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia. Hạ tầng cấp, thoát nước được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đảm bảo cấp nước cho đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên và các thị trấn huyện lỵ. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Các trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang.

Giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện hiệu quả. Phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở được khẳng định là chủ trương đúng và đạt kết quả tốt. Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên được quan tâm đầu tư.

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Các công trình trọng điểm được đầu tư tạo điểm nhấn về cảnh quan văn hóa du lịch. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục. Báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình được cải thiện cả về hình thức lẫn nội dung. Thể thao quần chúng được triển khai rộng rãi; thể thao thành tích cao từng bước được khẳng định, một số môn thể thao mũi nhọn đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như: Đua thuyền, Pencatsilat, Bắn súng...

Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, tổng số giường bệnh đạt tỷ lệ 29,3 giường bệnh/vạn dân. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân đã được nâng lên. Đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được tăng cường cả về  số lượng và trình độ chuyên môn, đạt tỷ lệ 9,7 bác sỹ/vạn dân, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 100% số thôn bản có cán bộ y tế và 97% trạm y tế có bác sỹ. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chủ động do đó không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai hiệu quả.

Giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội được  đặc biệt quan tâm. Các hình thức tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được đa dạng hóa. Từ năm 1997 đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 400 nghìn lượt lao động, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là trên 20,4 nghìn người. Số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016. Chế độ, chính sách cho các đối tượng được thực hiện theo đúng quy định. Các chế độ BHXH, BHYT được giải quyết kịp thời. Các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ được tiếp tục phát triển.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đạt kết quả cao, được triển khai áp dụng trong sản xuất. Yếu tố năng suất, chất lượng, hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm hàng hoá ngày càng tăng.

Quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản được chú trọng. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo đúng pháp luật; những vi phạm về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được xử lý nghiêm minh. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm; các hoạt động truyền thông được triển khai sâu rộng, các hoạt động quan trắc, cảnh báo được duy trì thường xuyên. Công tác thu gom, xử lý rác thải nhất là việc đầu tư vận hành các lò đốt rác thải liên xã đã giải quyết tích cực vấn đề rác thải sinh hoạt. Hạ tầng tiêu thoát và xử lý nước thải đang được triển khai góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác quân sự - quốc phòng được tăng cường, thường xuyên được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng. Tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập lớn, nhất là 2 cuộc Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (năm 2009, 2016) làm điểm cho toàn quân, toàn quốc được Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 đánh giá rất cao, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ tổ chức chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành và ý thức quốc phòng của nhân dân.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực văn hoá - xã hội. Cơ sở vật chất trường học, bệnh viện, các khu vui chơi, văn hóa thể thao, trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp khang trang. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước được củng cố, xây dựng ngày càng vững mạnh; đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của tỉnh. Thành tựu của tỉnh đã đạt được sau 20 năm tái lập, đã khẳng định và nâng cao vị thế của tỉnh, tạo tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH.

 

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực