Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định

Thứ ba, 31/07/2018 16:52
(ĐCSVN) – Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, đến nay, hầu hết các loại cây trồng vụ mùa đã được bà con nông dân gieo trồng xong, chỉ còn một số loại rau màu có khung thời vụ muộn tiếp tục gieo trồng.
Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Tính đến 15/7/2018, diện tích lúa đã gieo trồng đạt 25.817 ha, giảm 2,82% so với cùng kỳ. Một mặt, là do một số diện tích được chuyển mục đích sử dụng, xây dựng các công trình; mặt khác, một số diện tích trũng người dân sợ ngập không cấy mà để lúa tái sinh.

 Ngoài ra còn một số diện tích bỏ trống không gieo trồng do hiệu quả không cao. Diện tích gieo trồng các loại cây chủ yếu còn lại đạt được như sau: Ngô đã trồng 2.071 ha, giảm 3,35% so với cùng kỳ; khoai lang 247 ha, giảm 5,51%; đậu tương 140 ha, giảm 4,56%; lạc 427 ha, giảm 2,51%; rau các loại 1.340 ha, tăng 3,17% so với cùng kỳ.

Trong tháng, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây trồng như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, chuột, ốc bươu vàng, một số loại sâu ăn lá... Để bảo vệ an toàn cho sản xuất, giành vụ mùa thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh chủ động phòng, chống bằng các biện pháp tổng hợp khi đến ngưỡng như: Giữ mực nước trong ruộng hợp lý, ngắt ổ trứng sâu, bắt thủ công ốc bươu vàng, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật...

Cũng theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, tình hình sản xuất chăn nuôi trong tháng 7 được duy trì ổn định và phát triển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp phòng chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tích cực triển khai, kiểm soát tốt nên không xảy ra các dịch bệnh lớn. Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt.

Riêng chăn nuôi lợn vẫn còn có khó khăn nhất định; mặc dù trong thời gian gần đây giá lợn hơi tăng khá mạnh nhưng chưa thực sự ổn định nên các hộ dân chưa dám đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng và phun thuốc khử trừng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt I, chuẩn bị cho tiêm phòng đợt II năm 2018.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực