Vĩnh Phúc: Những địa danh du lịch làm say lòng người

Thứ tư, 27/12/2017 09:59
(ĐCSVN) - Đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy.

Tỉnh có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng dễ dàng làm say lòng người và vài năm trở lại đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong vào ngoài nước.

Danh thắng Tây Thiên

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 85 km về phía Tây Bắc, khu danh thắng Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Khu danh thắng Tây Thiên tọa lạc trên vùng rừng nguyên sinh Tam Đảo, xung quanh được bao phủ bởi hệ thực vật phong phú. Cảnh vật nơi đây vừa hùng vĩ hiểm trở, vừa thơ mộng trữ tình. Men theo con đường quanh co lên đền Thượng là những khe suối nước chảy róc rách, hai bên đường đi là cây cối um tùm, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương.

Điểm dừng chân đầu tiên của du khách là đền Trình, nơi cửa ngõ mở đầu cho hệ thống các di tích trong quần thể danh thắng Tây Thiên. Đền là nơi khách hành hương làm lễ “trình” trước khi bước vào cuộc hành trình Tây Thiên của mình.

Cây đa ngàn năm tuổi sừng sững bên sân đền Trình (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Sau khi dâng lễ tại đền Trình, để có thể tiết kiệm thời gian cho chuyến du lịch đến Tây Thiên, lại vừa được ngắm khung cảnh núi rừng một cách chân thực, du khách có thể bắt đầu chuyến leo núi vào buổi sáng. Men theo con đường nhỏ dọc khe suối, du khách sẽ thỏa sức ngắm cảnh núi rừng Tây Thiên chìm trong sương sớm.

Đường lên đền Thượng kéo dài khoảng 4-5 km. Leo núi nơi đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Mặc dù đường núi khá khó khăn, nhưng đây vẫn là lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Tây Thiên. Du khách vừa đi vừa dừng chân ngắm cảnh vật 2 bên suối, cảm nhận tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo chào buổi sớm. Hương của núi, gió của rừng khiến du khách cảm thấy nhẹ nhõm thư thái, quên đi những mệt mỏi lo toan của cuộc sống thường nhật.

Giữa núi rừng nguyên sơ, du khách chốc chốc lại gặp những ngôi Cổ tự, Thảo am Tịnh thất cheo leo trên độ cao ngút ngàn. Xa xa, dòng Thác Bạc trắng xóa như dải lụa vắt mình thả xuống từ trời cao xanh thẳm, tạo nên một bầu không khí thanh bình.

Càng lên cao dốc càng gấp, càng cheo leo, đòi hỏi bạn phải có sức khỏe dẻo dai và bền bỉ. Khi chinh phục được đỉnh núi, bạn sẽ phát hiện ra rằng: những nỗ lực của mình đã không uổng phí. Đứng trên đỉnh núi Tây Thiên phóng tầm mắt ra xa, cảnh vật hùng vĩ của cả một vùng đất trời nước Việt thu gọn vào trong tầm mắt.

Không chỉ vậy, sau cả một chặng đường dốc đứng cheo leo, lên đến đỉnh núi bạn được thở phào nhẹ nhõm, gió lộng từ thiên nhiên ùa vào lồng ngực làm những mệt mỏi của bạn lập tức tan biến. Đứng trên đỉnh núi cao, con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên bao la và một niềm hạnh phúc ngập tràn, bạn sẽ cảm nhận được khoảnh khắc trong ngần của của tâm hồn mình khi trở về với thiên nhiên, và trên hết, bạn được trải nghiệm niềm vui khi vượt qua những khó khăn, gian khổ để chiêm nghiệm ra những triết lý sâu sắc hơn trong cuộc đời.

Sau 2 giờ đi đường dốc núi, bạn sẽ được khám phá những quần thể công trình đền chùa đặc sắc gồm các đền: Đền Cô Chín, đền Cô Bé, Tam tòa Thánh Mẫu, đền Quan, tịnh thất Tây Thiên, đền Thượng…

Đền Thượng nơi đây thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Bà vốn sinh trưởng trong một gia đình bộ chủ (tộc trưởng) ở trang Đông Lộ, động Tam Dương xưa (nay là xã Đại Đình, huyện Tam Đảo). Bà nổi tiếng về sắc đẹp, tài năng và đức hạnh. Khi Hùng Chiêu Vương kinh lý đến vùng này, ngài đã có duyên được gặp bà, đưa về cung lập làm chính phi. Bà có công giúp vua Hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau khi qua đời, bà thường hiển linh giúp các vua Hùng đánh giặc giữ nước, các triều vua Hùng sau phong bà làm Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu Đại Vương.

Hàng năm cứ vào 15 tháng 2 Âm lịch (tương truyền ngày quốc mẫu hóa về trời), nơi đây lại diễn ra lễ hội quy mô, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch.

Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên tọa lạc ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn trong dãy Tam Đảo hùng vĩ, nơi đây là hành cung chính thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu – vị thần chủ của núi Tam Đảo; đây cũng là ngôi đền có vị trí cao nhất trong hệ thống các đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Hiện nay, cũng đã có hệ thống cáp treo lên Tây Thiên dành cho những người sức khỏe yếu, không thể tham gia khám phá bằng đường bộ.

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Có một địa danh mà du khách đến Tây Thiên luôn yêu thích, đó là Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước. Thiền viện nằm trên quả đồi rộng 4,5 ha, cao 300 m so với mực nước biển. Phía trước là cánh đồng rộng, phía sau là rừng thông u tịch.

Lên chính điện phải bước qua thềm đá nhiều bậc. Chính điện có chiều cao 17 m, rộng 675 m2. Trong chính điện thờ tượng Phật tổ, bên trái là lầu chuông, bên phải là lầu trống, ở giữa là 3 tượng Phật lớn. Thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Từ khai sáng nhằm khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử vào thời Trần.

Hệ thống các công trình ở đây gồm: Tam Quan, ngôi Chánh Điện, nhà Tổ, thất của Hòa thượng viện chủ, nhà khách ni, trai đường, nhà trưng bày… Các công trình nơi đây đều mang dấu ấn của những ngôi chùa đương đại.

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền móng cũ của Thiên ân Thiền Tự, một đại danh lam thời Lý Trần, ở độ cao từ 250m đến 300m so với mặt biển, thuộc vùng núi Tam Đảo - Tây Thiên.

Ô tô đi thẳng từ thành phố Vĩnh Yên đến chân núi Tam Đảo. Rồi từ chân núi đi theo đường bê tông men sườn núi dẫn tới sân đỗ của Thiền viện. Đến đây, khách hành hương theo từng bậc tam cấp đá, tới cổng Tam Quan đồ sộ. Đạo hữu Nguyễn Quốc Toản đã thực hiện các đại tự ở Tam Quan và đỉnh hương đặt trước chính điện bằng đá Thanh Hóa. Qua Tam Quan, du khách còn phải bước lên vài chục bậc đá nữa, tới một sân hẹp, rồi mới lên chính điện.

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là một công trình kiến trúc hoành tráng, nguy nga, mang dấu ấn về kiến trúc, thẩm mỹ học Phật giáo. Tránh được sự sao chép một cách máy móc theo những ngôi chùa cổ Việt Nam ở thế kỷ 16 - 17 mà mang tính truyền thống hài hoà với hiện đại, giữ được nét đặc thù của ngôi chùa phật giáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của phật tử ngày nay, bảo vệ được cảnh quan và môi trường sinh thái phong phú và hấp dẫn của khu vực vườn Quốc gia Tam Đảo.

Chùa Hà Tiên

Chùa Hà Tiên (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Chùa Hà Tiên ở phố Chùa Hà, thành phố Vĩnh Yên, trên trục đường 2B đi Tam Đảo. Diện tích khuôn viên rộng 6,2ha. Chùa được xây dựng từ năm Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hoà thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp.

Khuôn viên cổ này còn 5 cây bảo tháp, loại 3 tầng. Riêng Tháp Sư tổ được cây đa hơn 300 tuổi phủ rễ, bọc kín gần như cả 4 phía.

Ngày 13/12, năm Ất Dậu, tức là ngày 20/01/2006, chùa đươc  khởi công trùng quang lại để có quy mô hoành tráng và to đẹp hơn giữa lòng thành phố.

Qua cổng Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng toà Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến hiên chùa, phải trèo qua 9 bậc thềm, gọi là “Cửu trùng”. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có “Lưỡng long triều nguyệt”. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Các công trình khác bao gồm: thư viện, trai đường, vườn tháp, giếng ngọc...

Mặt tiền sảnh là toàn bộ cánh cửa bức bàn bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ rất công phu. Phía trên cửa đặt chấn song con tiện. Bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu. Ván bưng áp mái, chạy suốt mặt tiền đại điện, có 5 khuôn chữ lớn, nét khắc tinh xảo và mẫu mực. Ba mặt tiền sảnh, tả vu và hữu vu chùa đều có hành lang và dựng cột đá lập phương liền khối, chạm trổ hoa văn uyển chuyển. Dưới chân cột có ghi tên người công đức một cách khiêm tốn. Cả 10 cột đá đều khắc câu đối. Cung Thánh Mẫu có 3 bậc thềm rải rộng. Ngoài tiền sảnh có 2 câu đối ở 4 cột 2 gian giữa. Chữ khắc lối khải thư, chân phương mà mềm mại.

Đền thờ Trần Nguyên Hãn

Đền thờ Trần Nguyên Hãn (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Đền ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, Huyện Lập Thạch. Đền thờ Trần Nguyên Hãn Tả Tướng Quốc, phò Lê Lợi diệt giặc Minh giải phóng đất nước thế kỷ XV. Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao, tương truyền chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn.

Các công trình xây dựng gồm 3 phần: Cổng đền, nhà tiền tế, hậu cung. Từ khi xây dựng đến nay, đền đã được tu sửa nhiều lần và xây dựng thêm, chủ yếu vào đời Nguyễn. Nghệ thuật kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn: Đục trơn bào nhẵn, trang trí đơn giản.

Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Tháp Bình Sơn được xem là cao nhất, có tên chữ là tháp chùa Vĩnh Khánh, tục gọi là chùa Then ở xã Tam Sơn (Lập Thạch). Tương truyền tháp có 15 tầng. Cứ theo các cụ ở địa phương thì trước kia, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp một dáng vươn lên khá đẹp. Hiện nay chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, tất cả cao 16,5 mét. Tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, Cạnh cửa tầng dưới cùng là 4,45 mét; cạnh cửa tầng thứ 11 là 1,55 mét. Tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại: một loại hình vuông có kích thước là 0,22m x 0,22m, một loại hình chữ nhật có kích thước có kích thước 0,45m x 0,22m. Phần ruột tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân tháp lên ngọn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc ... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời kỳ phong kiến tự chủ cường thịnh thời Lý – Trần (thế kỷ XII – XIII).

Chân tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau làm cho khách tham quan có cảm tưởng như tòa tháp được mọc lên từ một bông sen lớn. Tầng tháp thứ nhất cao 2,27 mét, cạnh 3,30 mét, bốn mặt đều hình tổ tò vò và có sáu chữ nhật dọc, đế nào cũng có ba ô tròn trạm rồng nổi, thân rồng uốn tròn, nằm trên một nền cúc dây. Các ô rồng này lại được đặt nằm trong khung khắc chìm các cánh hoa cúc có hình dấu phẩy. Các đế có hình rồng này được trang trí là đề, hoa dây cuốn nổi. Tầng tháp thứ hai cao 1,68 mét, cạnh 2,27 mét, có một hàng cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch. Bốn khung cửa tò vò của tầng tháp này đều có mỗi bên tám khung hình chữ nhật, mỗi khung có hình đắp nổi một ngôi tháp nhỏ 5 tầng tỏa ánh hào quang với những đường chỉ chiếu ra bốn phía. Ngoài bình tháp nhỏ, ta lại gặp nhưng mô típ trang trí lá đề, cúc dây, hoa dây cuốn nổi. Ở tầng thứ tám cũng có trang trí hình tháp nhỏ. Cả 11 tầng tháp đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn với các hình cánh hoa cúc, sư tử vờn cầu, sóng lượn lá đề, hoa chanh ... Mỗi tầng tháp đều có nhiều hàng gạch khẩu nhô ra làm mái. Theo lão họa sĩ dân gian Nam Sơn (nguyên là ông từ chùa Vĩnh Khánh) và các cụ già trong vùng thì ở mỗi ô cửa tò vò của các tầng thấp xưa kia đều có tượng Phật Bà.

Hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên vuốt tóc. Hình sư tử vờn cầu ở chân bệ tháp đơn giản, hai con sư tử đều không có họa tiết và đồ án trang trí trên thân mà chỉ là hai hình trơn. Cặp sư tử ở đây không quay đầu đối nhau, đưa chân trước vờn cầu như kiểu ở một số chùa khác, mà một con tiến về phía quả cầu, một con đã tiến quá quả cầu, quả cầu nằm trên đuôi nó, còn nó quay đầu ngoảnh lại.

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Đình thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, được tạo dựng từ thế kỷ XVII, trải qua thời gian, đến nay còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê.

Đình thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đại đình 5 gian 2 dĩ 6 hàng chân, hậu cung 2 gian. Toàn đình đếm được 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa. Cột cái có đường kính 0,80m, cột con đường kính 0,61m. Nền đình dài 25,80m, rộng 14,20m, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.

Đình Thổ Tang hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp thứ tự theo chu trình đó. Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là "ngày hội xuống đồng" (lễ tịch điền) rồi lần lượt đến các bức "bắn thú dữ" để bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Cảnh vui chơi giải trí có: "đá cầu", "chơi cờ", "uống rượu", "người múa". Cảnh sinh hoạt gia đình có: "trai gái tình tự", "gia đình hạnh phúc". Phê phán những thói hư tật xấu có: "đánh ghen", "vợ chồng lười". Trang trí thờ phụng gồm các bức: "cửu long tranh châu", "bát tiên quá hải" và nhiều hình rồng, phượng khác.

Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê, là di tích được xếp hạng quốc gia sớm nhất ở Vĩnh Phúc, mấy thập kỷ qua luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, sự quan tâm bảo vệ tu bổ của Nhà nước các cấp, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đình Hương Canh

Đình Hương Canh (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Đình Hương Canh làm thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Đây là ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, chạm trổ tinh vi điêu luyện. Cùng với đình Ngọc Canh, Tiên Canh, chùa Kính Phúc (đều đã được xếp hạng Quốc gia) và các điếm, miếu cổ trong một khu vực không rộng của làng gốm cổ Hương Canh - đình Hương Canh tạo thành cụm di tích dầy đặc về mật độ, độc đáo về mỹ thuật kiến trúc gỗ cổ dân gian, rất quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc, của xứ Đoài và vùng đồng bằng - trung du Bắc bộ.

Nằm ở vị trí giữa làng, gần 300 năm nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, như khoe với thiên nhiên cỏ cây về bộ mái đồ sộ xinh duyên của mình. Lợp bằng ngói mũi hài, mái đình được các hiệp thợ ngoã Hương Canh xếp đặt theo kiểu “đóng óc vẩy rồng” rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc được đắp thẳng ke, hai đầu cong lên, các đầu đao cũng vút lên tương tự, toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ. Nhờ vậy mà đình Hương Canh trông toàn cảnh rất đồ sộ nhưng không nặng nề, to cao mà duyên dáng, không kém phần mềm mại, uyển chuyển.  

Xưa kia, đình Hương Canh có 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ “vương”, năm 1964 trong khi tu sửa đã dỡ đi toà cuối cùng, nay còn toà tiền tế và đại đình. Tiền tế đình Hương Canh gồm 3 gian, mái được làm kiểu 2 tầng 8 mái, toà đại đình 5 gian 2 dĩ, dài 26m, rộng 13,50m, 4 mái. Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà thiết kế thời bấy giờ đã tạo ra cho đình một bộ khung rất chắc chắn. Riêng toà đại đình với 6 hàng chân - 48 cột gỗ tốt, đại khoa, cột cái có chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m. Sự tài tình của người thợ ở đây là ngoài việc mộng sàm chặt khít, còn phải tính toán chính xác để phân phối lực đều cho toàn đình, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng (nếu không thì đình sẽ bị lật đổ theo kiểu “nặng bồng nhẹ tếch”). Mỗi bộ phận cấu tạo nên đình đều chịu một lực nhất định tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang dọc giằng co với nhau, thu hút lực đưa về ngọn cột để cột chịu lực là chính. Làm được điều đó chắc phải tính toán, đo đạc kỹ lưỡng đến mức nào. ở xó đình bên phải có một đầu bẩy còn cả lỗ sẹo gỗ do người khai thác chặt bằng rìu để luồn dây kéo gỗ về, phần đó thường phải cắt đi nhưng ở đây vẫn được tận dụng hết. Việc làm ngẫu nhiên đó của người xưa nói lên sự tính toán chính xác của họ khi thi công đình này

Là công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, trong thời gian tới đình Hương Canh không chỉ giới hạn ở sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, mà còn là địa chỉ đỏ trong những chuyến hành hương tham quan thưởng ngoạn của du khách gần xa.

Đình Tiên Canh

Đình Tiên Canh (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Kết cấu, kiểu thức kiến trúc, niên đại xây dựng đình Tiên Canh giống đình Hương Canh và Ngọc Canh, tuy diện tích lớn hơn - tiền tế 5 gian dài 23m, rộng 10m, đại đình 5 gian 2 dĩ dài 29,70m, rộng 14m, hậu cung 5 gian 2 dĩ dài 16m, rộng 7m. 

Trên bộ khung kiến trúc gỗ đồ sộ, vững chãi ấy, người xưa đã tính toán rồi làm đẹp thêm cho đình bằng việc chạm khắc, trang trí với kỹ thuật điêu luyện, nội dung tinh tế, tả cảnh sinh hoạt của con người, các con vật vũ trụ, tứ linh, kìm nghê và hoa lá cách điệu, như ở cửa võng hậu cung, các bức cốn nách, đầu bẩyĐiểm khác trong trang trí đình Tiên Canh với đình Hương Canh và Ngọc Canh là đề tài về con người ít (chỉ có 3 bức cốn nách tả cảnh: Luyện voi, bơi chải, người múa), chủ yếu là “tứ linh” (long - ly - quy - phượng), trong đó hình rồng xuất hiện hầu hết trong trang trí ở đây. Rồng được thể hiện ở những tư thế khác nhau: Rồng hút nước, rồng uốn, rồng cuốn cột, cá hoá rồngChẳng hạn ở cốn nách gian dĩ đại đình chạm hình rồng cách điệu, mình ẩn, đầu to, tai vểnh, răng nhe. Cốn nách ở tiền tế chạm “tứ linh” với rồng đang hút nước, lân bờm tóc dữ tợn, rùa đang bò miệng ngậm quyển sách, phượng bay cánh xoè rộng lả lướt. Bức “long cuốn thuỷ” tả cảnh một rồng mẹ đang hút cột nước, cạnh có rồng con đang ôm quả cầu. Đặc biệt trên hệ thống cửa võng - hậu cung trang trí toàn hình rồng (cửa võng hậu cung đình Tiên Canh rất độc đáo, là cửa kép, gồm 2 lần cửa). Các cạnh của 3 ô cửa ngoài chạm 7 lớp hình cá hoá rồng, các cạnh của 3 ô cửa trong chạm 8 lớp, mỗi lớp là một hình rồng dài suốt theo chiều cao của cửa (1,50m). Còn ở cột cửa (ô giữa) chạm một đôi rồng to đang cuốn chặt vào cột. Tính tổng thể ở 6 ô cửa võng có hơn 100 con rồng nằm cùng tư thế song song nhau với cả rừng vây máu trông rất uy nghi. Cùng kỹ thuật đục chạm tỉ mỉ chau chuốt, các hình rồng đều được thếp vàng lóng lánh rực rỡ.

Có thể nói chạm trổ ở cửa võng đình Tiên Canh là kiệt tác độc đáo về chạm khắc gỗ cổ dân gian ở Vĩnh Phúc cuối thế kỷ XVIII. Và với đề tài chủ đạo - hình rồng, chạm khắc ở đình Tiên Canh đã phần nào phản ảnh nội dung tư tưởng đa dạng của xã hội Việt Nam đương thời. Có người nói hình rồng hút nước ở đình Tiên Canh là hình tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Cũng có người nói hình rồng ở đình Tiên Canh với tỷ lệ cao như thế nói lên sự chuyên quyền của chế độ phong kiến Việt Nam khi ấy, luôn muốn đề cao uy quyền của mình để thống trị nông dân. Lại có người nói hình rồng ở đình Tiên Canh, nhất là hình cá hoá rồng phản ánh tình hình thi cử, ước mơ đỗ đạt của các nho sinh thuở trước…

H.Q (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực