Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội

Thứ ba, 09/05/2017 14:59
(ĐCSVN) - Sau 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, Vĩnh Phúc luôn chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội hướng tới sự phát triển bền vững.

Vĩnh Phúc phát triển nhiều khu đô thị, đặc biệt chú trọng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (Ảnh:H.T)
Đi lên từ con số 0

 

Theo ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời điểm cách đây 20 năm, tỉnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, Vĩnh Phúc luôn xếp vào nhóm những tỉnh nghèo của cả nước. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ chỉ là con số 0; cơ sở hạ tầng yếu kém, thu ngân sách rất thấp và phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn…

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển du lịch và dịch vụ là mũi nhọn và coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Nhờ đó, sau 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ về kinh tế và văn hóa, xã hội.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm giai đoạn 1997- 2016 luôn đạt 15,3%, trong đó ngành công nghiệp xây dựng tăng bình quân 23,9%/năm, đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh vào năm 2016 tăng gấp 40 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, từ 2,18 triệu đồng/người/năm 1997 đã lên tới 72,3 triệu đồng/người/năm 2016.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp thủy sản. Hiện cơ cấu kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc với công nghiệp- xây dựng chiếm 61,91%; dịch vụ 27,75% và nông lâm nghiệp thủy sản là 10,35%. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, năm 1997 thu ngân sách mới đạt 114 tỷ đồng, sau 20 năm, đến năm 2016, trong bối cảnh nhiều địa phương thu ngân sách khó khăn, thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,58 ngàn tỷ đồng, gấp 285 lần so với năm 1997. Trong đó, thu nội địa đạt 29,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 2 miền Bắc, chỉ sau Hà Nội.

Vĩnh Phúc cũng là một điểm sáng trong cả nước về thu hút đầu tư với hơn 800 dự án đầu tư, trong đó có 231 dự án FDI (tính đến cuối năm 2016). Trong số các nhà đầu tư đặt chân đến Vĩnh phúc, có những DN lớn như Thép Việt Đức, Vineco, Vingroup, Prime,Toyota, Honda, Piagio, Deawoo…

Coi trong vấn đề an sinh xã hội


Chính phủ đã rất coi trọng vấn đề an sinh xã hội. Tại nhiều kỳ họp Chính phủ, cùng với các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo vệ môi trường,.. xác định thực hiện đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Chính vì vậy,  Theo ông Lê Duy Thành,  Vĩnh Phúc luôn quán triệt bên cạnh các thành tựu về kinh tế, chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt là giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, đảm bảo việc làm... và phát triển hạ tầng thiết yếu cho các địa phương. 

Tổng mức chi cho đối tượng chính sách, người có công của tỉnh lên tới 530 tỷ đồng, trong đó, gần 300 tỷ đồng dành cho việc thăm hỏi người có công. Mỗi năm tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi hường xuyên cho 40.000 người có công, mức trợ cấp ưu đãi năm 2016 tăng 2,8 lần so với năm 2001. 100% gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình cư dân cùng địa bàn. Người nghèo, cận nghèo còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhà ở... Để giúp người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ y tế, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành hơn 600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế cho người nghèo. Cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh cũng được quan tâm. Mỗi năm tỉnh giảm được 2% hộ nghèo; hơn 400 nghìn lao động được giải quyết việc làm, hàng trăm nghìn người được đào tạo nghề... 

Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo theo hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tỉnh dùng nguồn vốn địa phương đưa thêm sang NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện các chương trình an sinh xã hội. NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện 12 chương trình tín dụngnhư cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, giải quyết việc là, cho vay học sinh sinh viên, hỗ trợ sản xuất vùng khó khăn…
Mặc dù tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh rất cao, 20 năm tái lập tỉnh, thu ngân sách tăng 300 lần. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngoài các đối tượng chính sách, có tới 80% người dân trên địa bàn tỉnh  vẫn sống bằng mảnh vườn, đàn gà đàn lợn, Bệnh viện lớn, đường quốc lộ lớn, họ cũng không dùng vì họ cũng chả đi đâu… Do đó, làm sao để họ được hưởng những thành tựu phát triển KT-XH mà tỉnh đạt được 20 năm qua để họ không bị để lại phía sau là điều mà lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, đồng thời là lý do, những năm qua và thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, để tất cả những người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội đều được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Theo đó, chính sách an sinh xã hội sẽ vẫn và sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện trong thời gian tới với mong muốn, không một người dân nào đứng bên lề của tăng trưởng kinh tế.


Phát huy hơn nữa những thành tữu đã đạt được

Để phát huy những thành tựu đã đạt được, ông Lê Duy Thành cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế địa phương. Trong đó, với lợi thế về du lịch, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh phát triển nhằm tận dụng, khai thác tiềm năng này nhất là với một tỉnh nằm ngay sát Hà Nội.

Trong quá trình phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố phát triển theo hướng riêng chứ không phải trở thành thành phố vệ tinh của thủ đô. Vĩnh Phúc không thể là tỉnh chỉ chuyên cung cấp lợn sạch hay rau sạch, mà cần phải biết phát triển những thế mạnh riêng, làm những thứ Hà Nội thiếu, chưa có. 

Vĩnh Phúc xác định phát triển du lịch và dịch vụ là chiến lược cốt lõi, vì điều này không những tạo ra thu nhập ổn định cho người dân mà còn không ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, du lịch và dịch vụ được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2017- 2020 phấn đấu đạt 7-7,5%/ năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2020 công nghiệp xây dựng chiếm 61,5%; dịch vụ 31,4%; nông lâm nghiệp thủy sản 7,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/ năm.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định đội ngũ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Do đó, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các mặt, tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn tạo công ăn việc làm, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội cho người dân địa phương.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực