Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Thứ sáu, 10/03/2017 16:23
Các hợp tác xã và tổ hợp tác đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ một xã nghèo khó, Bồ Lý huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc)  trở thành xã nông thôn mới. 
Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều cơ chế hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi phương thức hoạt động, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.

Ấp ủ dự án mở rộng và phát triển quy mô chăn nuôi, cung cấp thực phẩm sạch từ rất lâu nhưng không có vốn để thực hiện, hợp tác xã chăn nuôi Hồ Sơn, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã tìm đến Quỹ phát triển Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc.

Cũng như nhiều đơn vị khác, trước đây nhắc đến việc vay vốn từ nguồn Quỹ này phải “lắm gian truân” do nhiều ràng buộc từ cơ chế, nhưng khi đến tiếp xúc trực tiếp với bộ phận quản lý thì “không quá khó” như từng nghe nói, đặc biệt là sau khi sửa đổi điều lệ của Quỹ, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc hợp tác xã chăn nuôi Hồ Sơn cho biết.

Theo bà Hương, khi đến Liên minh Hợp tác xã tỉnh để liên hệ vấn đề vay vốn thì được hướng dẫn mọi hồ sơ, thủ tục và chỉ cần làm đúng thủ tục, có dự án, phương án kinh doanh hiệu quả là có thể vay vốn. Thuận lợi nữa, đó là tài sản thế chấp để vay vốn chỉ yêu cầu là 30%, thay vì trước đây là 100% thì Hợp tác xã không kham nổi.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc hợp tác xã chăn nuôi Hồ Sơn cho biết: “Nhờ được vay 200 triệu đồng, hợp tác xã có được nguồn vốn thực hiện mở rộng quy mô chuồng trại, xây dựng lò mổ, đầu tư khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi theo hướng Vietgap. So với lúc trước khi vay vốn, quy mô chăn nuôi mà hợp tác xã được mở rộng gấp 3 lần. Đồng vốn lớn là trợ lực giúp hợp tác xã đáp ứng được nhu cầu thu mua thực phẩm của nhiều thương lái trong và ngoài địa phương”. Đáng mừng là năm nay, hợp tác xã chăn nuôi Hồ Sơn nhận được đơn hàng thu mua thực phẩm chăn nuôi sạch đến tận thủ đô Hà Nội.

Bà Hương cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng hợp tác xã chăn nuôi Hồ Sơn xuất đi 20 -25 tấn thực phẩm cho thị trường Hà Nội, thu lãi về hàng trăm triệu đồng cho xã viên. Hiện tại, chúng tôi còn mở thêm dịch vụ cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch như: Rau an toàn, thịt gà, trứng gà, trứng vịt… cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.”

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) được thành lập từ năm 1957 có quy mô 3 thôn, 6 tổ sản xuất với 615 hộ thu hút trên 2.600 nông dân tham gia hợp tác xã. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản, dịch vụ làm đất, vệ sinh môi trường. Những năm qua, Hợp tác xã luôn hoạt động, kinh doanh có lãi, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết giữa xã viên và Hợp tác xã....

Cũng giống như nhiều hợp tác xã khác khi tiến hành chuyển đổi vào năm 2014, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất, mua nguyên liệu, máy móc và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các thành viên hợp tác xã nhiều lần “gõ cửa” các ngân hàng nhưng do không có tài sản thế chấp nên hợp tác xã chưa được vay vốn.

Với 150 triệu đồng vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý đã đầu tư 3 máy bừa, 5 giàn máy gieo thẳng, 1 bình bơm thuốc sâu để phục vụ bà con nông dân sản xuất nông nghiệp.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý chia sẻ: “Từ khi đầu tư máy móc phục vụ công tác cày, bừa, gieo cấy, Hợp tác xã đã thành lập thêm tổ cơ giới hoá phục vụ mọi khâu trong sản xuất nông nghiệp; giá dịch vụ cày, bừa, gieo cấy thấp hơn so với giá thị trường nên các xã viên cũng được lợi.” Ngoài ra, Cửa hàng dịch vụ vật tư nông nghiệp của Hợp tác xã cung ứng đầy đủ các sản phẩm về giống cây trồng, thuốc trừ sâu, phân bón... đáp ứng nhu cầu của người dân với giá thành hợp lý.

Đến nay, Hợp tác xã có 6 tổ dịch vụ sản xuất làm công tác điều hành sản xuất, phục vụ tưới tiêu, thông báo lịch thời vụ, đăng ký mua vật tư nông nghiệp, bảo vệ sản xuất. Vụ Chiêm Xuân năm 2016, Hợp tác xã đưa 5 mô hình giống lúa mới vào sản xuất trên diện tích gần 100ha và đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo Phú Xuân với các giống lúa hàng hoá chất lượng cao như: RVT, QR1, hương thơm 1, RS9, TH3-3, GS33.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 703 hợp tác xã, 12 Tổ hợp tác, với tổng số hơn 200 nghìn thành viên; trong đó có 282 hợp tác xã nông nghiệp, 421 hợp tác xã phi nông nghiệp.Tổng nguồn vốn hoạt động trên 2.500 tỷ đồng, doanh thu năm 2016 đạt trên 23 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai cho trên 110 hợp tác xã vay với số vốn lên tới trên 43tỷ đồng, trong đó có 18 hợp tác xã nông nghiệp và 92 hợp tác xã phi nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn.

Sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của Quỹ đã mang lại hiệu quả kinh tế. Qua đó giúp cho nhiều hợp tác xã duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, phát triển được nhiều mặt hàng, tạo công ăn việc làm cho gần 1.600 lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động và thành viên.

Có thể thấy rằng, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và xã hội, giúp cho nhiều hợp tác xã duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhu cầu phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác rất lớn, trong khi đó nguồn Quỹ hỗ trợ có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu nên số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác được vay vốn còn rất hạn chế. Cùng cới đó, hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn Vĩnh Phúc đều mong muốn được gia hạn thêm thời gian cho vay và nâng hạn mức cho vay cao hơn để có thể phát huy được nội lực của mình, giúp phát triển thành phần kinh tế tập thể ngày càng bền vững./.

Nguyễn Thị Thảo/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực