Cấp phép ca khúc - cần sự điều chỉnh phù hợp

Thứ năm, 20/04/2017 10:34
(ĐCSVN) – Việc cấm lưu hành hay cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 thiếu sự nhất quán của Cục Nghệ thuật biểu diễn thời gian qua đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đối với những tác phẩm “đi cùng năm tháng” cần cởi mở và thông thoáng hơn trong việc cấp phép.

Cấm hay cấp phép một ca khúc thiếu sự nhất quán

Vào cuối tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có quyết định tạm dừng việc lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ; “Rừng xưa” và “Chuyện buồn ngày xuân” của tác giả Lam Phương; “Đừng gọi anh bằng chú” của tác giả Diên An; “Con đường xưa em đi” của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương. Đây là những ca khúc đã được Cục NTBD cấp phép lưu hành, nhưng sau một thời gian lưu hành, đã có những phát sinh về nội dung ca khúc so với bản gốc, vấn đề bản quyền, tác giả.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là bởi khi xét duyệt những ca khúc thuộc dạng này, Cục NTBD chưa có điều kiện tiếp cận các bản nhạc gốc nên phải tạm dừng lưu hành để đơn vị này đối chiếu, thẩm định lại về vấn đề ca từ cũng như tên tác giả. Và đây chính là vấn đề bất cập, khi bây giờ mới rà soát công tác cấp phép sáng tác cách đây đến hơn 40 năm thì khó có thể đòi hỏi nhạc sĩ hoặc gia đình nhạc sĩ có bản gốc các ca khúc. Điều này dẫn đến chuyện những bài hát sửa lời được cấp phép, sau đó lại thu hồi. Cũng là những ca khúc sáng tác trước năm 1975, có nội dung tương tự nhưng bài này thì được phép phổ biến, bài khác lại bị cấm, bị thu hồi, gây hoang mang, bất công cho nhiều cá nhân và tổ chức.

Cũng bởi những quy định rườm rà trong việc cấp phép cho các ca khúc sáng tác trước 1975 mà vừa qua, một số ca khúc từng nổi tiếng mấy chục năm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỗng dưng phải làm hồ sơ xin mới được Cục NTBD cấp phép phổ biến. Rõ nhất là ở trường hợp ca khúc “Nối vòng tay lớn”.  Sau gần 50 năm từ ngày ra đời, “Nối vòng tay lớn” là bài hát quen thuộc với đông đảo công chúng và được sử dụng trong nhiều chương trình nghệ thuật, chương trình mang ý nghĩa chính trị, có sức lan tỏa mạnh mẽ lại đột ngột bị yêu cầu xin cấp phép gây bức xúc trong cộng đồng. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong số rất nhiều sáng tác trước 1975 chưa được lưu hành về mặt pháp luật.

“Con đường xưa em đi” của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương từng bị tạm dừng lưu hành
gây xôn xao dư luận. (Ảnh: An ninh Thủ đô)


Giải thích về vấn đề này, Cục NTBD - cơ quan chịu trách nhiệm về việc lưu hành, phổ biến các tác phẩm văn hóa trong nước - cho biết: Theo quy định tại Điều 29, Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu thuộc Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016-NĐ-CP của Chính phủ, một bài hát trước năm 1975 được phổ biến tại Việt Nam phải có cá nhân/tổ chức làm hồ sơ đề nghị. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định và Cục NTBD sẽ xem xét, trả lời. Chính vì thế, nếu bài hát cho dù mọi người biết, từng được biểu diễn nhưng không có cá nhân/đơn vị nào làm đơn đề nghị cấp phép, Cục NTBD không có sơ sở cấp phép phổ biến. Cục NTBD cũng cho rằng hiện tại, thủ tục xin cấp phép rất đơn giản, chỉ cần thực hiện bằng cách gửi hồ sơ điện tử.


Nói là vậy, nhưng những thiếu sót, chưa hoàn thiện của hệ thống vận hành, quy định pháp luật cũng như các nguyên tắc quản lý của cơ quan này khiến việc xin cấp phép trở nên mất thời gian và rối rắm. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu về các bài hát trước 1975 thiếu chính xác, cập nhật và bị động gây nên khó khăn lớn cho quá trình xin cấp phép. Trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến - một tài liệu được coi là căn cứ để các địa phương cấp phép biểu diễn lại xuất hiện khá nhiều lỗi.

Cụ thể, trên danh mục hơn 2000 ca khúc đã cấp phép được Cục NTBD đưa ra, nhạc sĩ Văn Cao không có ca khúc nào. Không những vậy, bảy ca khúc của ông gồm: “Buồn tàn thu”, “Chiều buồn trên bến Bạch Đằng”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi” được đề tên tác giả Văn Chung. “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” - bài hát được cấp phép vào năm 2009 - không xuất hiện trên website. Hay như 4 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ” và bài “Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hiện là bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cũng không có trong danh sách cấp phép.

Nếu lấy danh mục này làm căn cứ để biết tác phẩm được lưu hành hay chưa mà đi xin cấp phép, rõ ràng sự sai lệch này sẽ gây khó khăn cho các cá nhân hay tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Cần thay đổi quy chế cấp phép

Trước sức ép dư luận, chỉ vài ngày sau khi có lệnh cấm lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 nêu trên, Cục NTBD đã cho phép ca khúc lưu hành lại trên toàn quốc. Tương tự với trường hợp ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép lưu hành, đã được Cục NTBD cấp phép. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình huống “chữa cháy”. Việc cơ bản phải làm là điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật khi nó không còn phù hợp.

Theo các đơn vị hoạt động nghệ thuật, hiện thủ tục cấp phép rất rườm rà, gây mất thời gian, công sức cho những đơn vị, cá nhân cần sử dụng tác phẩm. Nhiều trường hợp một bài hát xin cấp phép đi cấp phép lại nhiều lần. Cục NTBD lại vẫn tiếp nhận hồ sơ để rồi tiếp tục cấp giấy phép. Với cách làm này dẫn đến sự rườm rà, thiếu minh bạch về các ca khúc được cấp phép trước năm 1975. Bởi vậy, cần phải thay đổi quy chế cấp phép, sao cho mỗi tác phẩm kiểm duyệt và cấp phép một lần. Cục NTBD cần phải đưa ra được Danh mục ca khúc được phép phổ biến hoặc Danh mục ca khúc bị cấm để thuận tiện trong quá trình sử dụng.

Bên cạnh đó, đối với những ca khúc đã được cấp phép nên giảm thủ tục xin phép biểu diễn ca khúc cho các chương trình sau đó. Cục NTBD cũng cần có trách nhiệm sưu tầm, lưu giữ, thừa nhận những ca khúc đã được sử dụng trong nhiều chương trình trước đây làm cơ sở dữ liệu.

Về việc xác định văn bản gốc bài hát của các tác giả trước 1975, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã có đề xuất: Đơn vị có thẩm quyền cấp phép cần phối hợp với Trung tâm Bản quyền tác giả Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để làm cơ sở đối chiếu với những dị bản phát sinh. Vì không thể sưu tầm hết các bản gốc của các bài hát trước 1975 (ước tính có hàng ngàn bài), để cấp phép theo từng đợt như vẫn làm, vì thế nên giao các Sở VH,TT&DL các tỉnh thành tự chịu trách nhiệm thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa cần cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn nữa trong việc thẩm định trước khi đưa ra những quyết định trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Việc cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 sẽ phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng tốt, chất lượng nghệ thuật được phổ biến rộng rãi, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng; đồng thời phát huy hiệu quả công các quản lý của ngành./.

HN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực