Về chiến khu xưa trong những ngày thu tháng Tám

Thứ ba, 15/08/2017 22:06
(ĐCSVN) - Theo dấu xưa lịch sử, trong những ngày đầu thu tháng Tám, chúng tôi có một hành trình trở về những chiến khu trên vùng Đất Tổ (Phú Thọ), vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên), nơi mà cách đây 72 năm, nhân dân khắp các vùng chiến khu đã đồng sức, đồng lòng, hướng theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh, vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền…
Chùa Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ), địa điểm thành lập đội du kích Âu Cơ. Ảnh: Thế Lượng

 Những chiến khu trên vùng Đất Tổ

Trong những ngày tháng sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (Phú Thọ), nơi đất Tổ Vua Hùng là vùng đất dấy lên hào khí cách mạng ở khắp mọi nơi để góp phần tạo nên sức mạnh của Mặt trận Việt Minh, uy hiếp tinh thần của kẻ thù, làm nên những chiến thắng vang dội. Để xây dựng lực lượng, căn cứ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhân dân vùng đất Tổ đã dựa vào địa thế núi rừng, sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân yêu nước để gây dựng lực lượng, thành lập đội du kích, mài giũa khí giới, tập luyện chiến đấu để đấu tranh vũ trang giành chính quyền.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, các chiến khu Cách mạng tháng Tám đã lần lượt được thành lập tại các vùng đất của Phú Thọ. Điển hình là chiến khu Vần - Hiền Lương (kéo dài từ đất Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) đến xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái) được thành lập tháng 5/1945); Chiến khu Vạn Thắng (Cẩm Khê, thành lập tháng 6/1945); Chiến khu Phục Cổ (Yên Lập, thành lập tháng 6/1945). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ban đầu, các chiến khu hầu hết là do một nhóm người yêu nước lập nên, dần dần, các chiến khu phát triển lực lượng ngày càng đông đảo, tập hợp những người dân yêu nước quanh vùng, tạo nên một sức mạnh tổng hợp và có ảnh hưởng tích cực tới các địa bàn khác, kêu gọi, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.

Khởi đầu cho sức mạnh của lực lượng ở các chiến khu đó là sự hoạt động mạnh mẽ và sáng tạo của các đội du kích được thành lập trong lòng các chiến khu. Tại những vùng rừng núi của huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hiền Lương (nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ), các đội du lịch phát triển lực lượng ngày càng đông đảo, liên kết sức mạnh giữa các chiến khu và một số tỉnh bạn: Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc để tạo nên những vành đai lực lượng, tạo thế uy hiếp kẻ thù những ngày tiền khởi nghĩa.

Bia di tích tại Chiến khu Vần - Hiền Lương. Ảnh: Thế Lượng.

 Tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) cùng làng Vần (Trấn Yên, Yên Bái), Chiến khu Vần - Hiền Lương được thành lập từ chủ trương tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ là phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ. Chiến khu Vần - Hiền Lương là một trong bảy chiến khu quan trọng trong cả nước, tạo sự liên lạc giữa các chiến khu, làm nên những “bàn đạp” cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Vào tối ngày 14 tháng 5 năm 1945, tại chùa Hiền Lương, trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng, đội du kích Âu Cơ đã được thành lập với 33 đội viên. Sau hơn một tháng hoạt động, đội du kích đã phát triển lên tới 100 đội viên. Uy tín và ảnh hưởng của đội du kích Âu Cơ và khu căn cứ Vần - Hiền Lương ngày càng lớn mạnh đã tác động đến quân Nhật ở Yên Bái. Hưởng ứng chủ trương của Đảng phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, đội du kích Âu Cơ đã bí mật phá kho thóc Nhật ở gần đầm Vân Hội vào ngày 13-6-1945 và đã thu được hàng trăm tấn thóc, giải quyết nạn đói cho nhân dân. Tiếp theo đó, vào rạng sáng ngày mùng 2 tháng 8 năm 1945, đúng theo kế hoạch, mặc dù nước lũ dâng cao nhưng lực lượng vũ trang của đội du kích Âu Cơ đã phân chia làm các tổ chặn đường tấn công của Nhật, tước khí giới, khiến cho toán quân Nhật tan tác, một số phải bỏ chạy về Yên Bái.

Đến nay, người dân Hiền Lương và làng Vần vẫn đọc cho nhau nghe những vần thơ nói về khí thế sôi sục của những ngày tiền khởi nghĩa ở Chiến khu ngày ấy: “Nhật về khủng bố Âu Cơ/Bị quân dân đánh bất ngờ thua to/Bốn thằng chết, một đắm đò/Quân dân phấn khởi reo hò khắp nơi !”. Thắng lợi của các Chiến khu trên vùng Đất Tổ đã góp phần gây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh ở phía Tây tỉnh Phú Thọ, giải phóng từng phần, uy hiếp và làm tan rã lực lượng của kẻ thù, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn cả nước.

 Dưới bóng đa Chợ Chu

Rời các chiến khu trên vùng Đất Tổ, chúng tôi trở về Định Hóa (Thái Nguyên), nơi cách đây 70 năm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK), là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Dọc hành trình trên vùng ATK Định Hóa, mỗi địa danh đều gắn với những dấu son lịch sử oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, vùng đất Định Hóa còn là nơi thắp lửa cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trong những ngày tháng sôi sục của nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền.

Vị trí đặc biệt quan trọng, ghi lại thời khắc lịch sử nổi dậy của nhân dân nơi đây những ngày tiền khởi nghĩa tại Định Hóa đó là Chợ Chu (ngày nay là trung tâm huyện Định Hóa). Cách thị trấn Chợ Chu khoảng 2 km, gần khu di tích nhà tù Chợ Chu, chùa Hang là địa điểm di tích chợ Chu (chợ được thực dân Pháp xây dựng từ trong vòng 10 năm từ 1915 đến 1925; đến nay, tuy người dân không họp chợ nhưng chợ vẫn còn và trở thành một di tích trong vùng ATK Định Hóa). Dấu mốc thời gian in đậm trên từng viên ngói trên mái chợ, trên bức tường rêu phủ nhưng nơi đây còn ghi dấu tinh thần quật khởi của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của đồng bào các dân tộc Định Hóa trong những ngày tiền khởi nghĩa. Phía trước cổng chợ, có cây đa Chợ Chu tỏa bóng xanh mát xuống mái chợ và con đường vào làng. Cây đa này không chỉ là một thực thể tự nhiên mà trong kí ức của những lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Chợ Chu thì cây đa còn là một di tích lưu giữ địa điểm, không khí và sức mạnh của những ngày nhân dân nơi đây vùng lên.

Trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu của tác giả Lê Nhâm thì từ năm 1940, khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, thực dân Pháp đã chọn Chợ Chu (Xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu, gần cây đa Chợ Chu) để xây dựng nhà tù, giam giữ những chiến sỹ cách mạng, những người yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa. Tuy bị giam giữ trong tù nhưng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của những chiến sỹ Cộng sản luôn được nung nấu và ngày càng dâng cao. Những ngày tiền khởi nghĩa đang diễn ra sôi sục ở khắp mọi nơi trong cả nước, theo chủ trương của Trung ương Đảng, năm 1944, Chi bộ nhà tù Chợ Chu đã cử 12 đồng chí vượt ngục. Sau khi vượt ngục, các đồng chí đã xây dựng thành công căn cứ cách mạng tại các vùng Định Hoá, Đại Từ (Thái nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang), thành lập cơ quan chỉ huy chiến khu Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm Bí thư, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.

Khi nhận thấy điều kiện đã chín muồi, vào ngày 28 tháng 3 năm 1945, tại chợ Chu, ở vị trí cây đa ngày nay đã diễn ra một cuộc mít lịch sử với hàng ngàn quần chúng cách mạng tham gia. Trong không khí sôi sục và trào dâng tinh thần cách mạng, Việt Minh huyện Định Hóa đã tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Cuộc mít tinh tại cây đa Chợ Chu là một sự kiện cách mạng đặc biệt quan trọng, đã tập hợp đông đảo lực lượng người dân yêu nước, thắp ngọn lửa đầu tiên cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.

Dưới bóng đa Chợ Chu hơn 70 năm qua, có những câu chuyện được các thế hệ người dân Chợ Chu (Định Hóa) kể lại về những ngày tiền khởi nghĩa ở vùng đất này. Thầy giáo Phạm Văn Vũ (nguyên là giáo viên trường THPT Định Hóa- Thái Nguyên) kể lại câu chuyện thầy được ông bà, thầy cô kể cho nghe ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Chuyện kể rằng: “Ngày 09/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, rồi chỉ một ngày sau đã tràn vào Thái Nguyên, nhận thấy sự tan rã của hệ thống chính quyền của thực dân Pháp và tay sai, lãnh đạo cách mạng huyện Định Hóa quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Vào thời điểm 3 giờ sáng ngày 26/3/1945, quân cách mạng nổ súng tấn công đồn Chợ Chu và dinh tri phủ. Nghe những tiếng súng vang động của lực lượng cách mạng, toàn bộ lính khố xanh và lính dõng hoảng hốt, chống cự yếu ớt rồi vứt súng tháo chạy tán loạn. Chỉ sau vài giờ chiến đấu, quân cách mạng đã làm chủ trận địa. Tri phủ Hà Sỹ Tinh bỏ trốn. Châu đoàn Lý Minh Vân (là người của cách mạng) mở cửa phủ, quân cách mạng tràn vào thu giấy tờ, số sách, bằng, triện. Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ đường. Kẻ thù không thể ngờ rằng, những tiếng súng ầm ầm vang động như sấm đêm hôm đó thật ra chủ yếu là tiếng pháo đùng do bà con nhân dân Chợ Chu tự chuẩn bị chứ không phải là âm thanh của súng đạn”.

Hơn 70 năm qua, nhân dân các vùng chiến khu nói riêng và nhân dân cả nước nói chung vô cùng tự hào trước những chiến công oanh liệt mà quân và dân các chiến khu đã lập nên trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Từ những chiến khu này, sức lan tỏa của tinh thần yêu và ý chí cách mạng đã được thể hiện sinh động trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946 đến năm 1954.

Ngày nay, cuộc sống của người dân nơi các chiến khu cách mạng đã ngày càng khởi sắc. Đó là “địa chỉ đỏ”, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, đúng như lời thơ của cố nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ở đâu u ám quân thù/Trông về Việt Bắc cụ Hồ sáng soi/Ở đâu đau đớn giống nòi/Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực