Tôn vinh tài năng và khí phách của danh nhân Nguyễn Quán Nho

Thứ ba, 18/09/2018 18:39
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho – Con người và sự nghiệp” đã tôn vinh tài năng và khí phách của danh nhân khoa bảng Nguyễn Quán Nho, qua đó nêu một tấm gương sáng của bậc tiền nhân, tạo động lực khích lệ thế hệ trẻ noi gương, tiếp nối, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc, quê hương và dòng họ.

Sáng 18/9,  tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học về Tiến sĩ – Thượng thư Nguyễn Quán Nho nhân dịp kỉ niệm tròn 380 năm sinh và 310 năm mất của ông.

Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho (1638 - 1708), tên hiệu Giản Trai, tên thụy Ôn Nhã, là người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên (nay là thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ đầu kì thi Đình năm Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị 5 (1667) đời vua Lê Huyền Tông. Trong cuộc đời 40 năm làm quan, trải qua 4 đời vua Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông, Nguyễn Quán Nho luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, hết lòng phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước.

Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho – Con người và sự nghiệp”.

Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho – con người và sự nghiệp” đã nhận được 20 bài nghiên cứu của các nhà khoa học, các đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và dòng họ Nguyễn Quán ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Với các bài nghiên cứu, chúng ta có cuộc hành trình ngược thời gian để tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho trên các phương diện: Bối cảnh lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Quán Nho; Quê hương, dòng họ Nguyễn Quán ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Con người Nguyễn Quán Nho; Sự nghiệp của Nguyễn Quán Nho: về chính trị, ngoại giao, giáo dục, văn học và ảnh hưởng của ông đối với quê hương, đất nước.

Nằm trong khuôn khổ của Hội thảo, Trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ; nhân cách và tài năng của Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho đã giới thiệu các loại hình tư liệu phong phú: phiên bản sách cổ, tranh truyền thần, phiên bản sắc phong, thác bản văn bia,… được Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sưu tầm trong những năm qua. Đặc biệt, Hội thảo giới thiệu tới công chúng bức tranh truyền thần chân dung Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho được họa sĩ vẽ cách ngày nay hơn 300 năm.

Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho – Con người và sự nghiệp” đã tôn vinh tài năng và khí phách của danh nhân khoa bảng Nguyễn Quán Nho, qua đó nêu một tấm gương sáng của bậc tiền nhân, tạo động lực khích lệ thế hệ trẻ noi gương, tiếp nối, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc, quê hương và dòng họ. Từ con người, cuộc đời ông, chúng ta thấy được sự đồng điệu với những giá trị tốt đẹp của dân tộc đang hiện diện, được lưu giữ và phát huy tại chính di tích Văn Miếu -Quốc Tử Giám, nơi ông đã từng là Tri Quốc Tử Giám. Đó là truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam./.

Tin, ảnh: HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực