Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế

Thứ bảy, 23/09/2017 11:07
(ĐCSVN) - Chiều 22/9, Đoàn công tác Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia do GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Phạm Hướng)

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung và lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự phối hợp của các các Bộ, ngành. Trong giai đoạn 1996 - 2017, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng thu hút du khách đến Huế, đặc biệt là tạo sự quan tâm của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.

Hơn 20 năm qua, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng (giai đoạn 1996 - 2009 hơn 527 tỷ đồng, giai đoạn 2010 - 2017 hơn 933 tỷ đồng) có hơn 170 công trình được bảo tồn, trùng tu và tu bổ. Qua đó góp phần phát huy giá trị văn hóa Huế, từng bước phục hồi diện mạo của một cố đô Huế cổ kính và tôn tạo cảnh quan đô thị môi trường TP. Huế. Các công trình trùng tu tiểu biểu đã thực hiện như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh Thành…

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm và lưu trữ các tài liệu một cách bài bản, khoa học với mục tiêu rõ ràng, nhất là sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh. Bước đầu, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã thực hiện và lưu trữ một số bộ hồ sơ về Nhã nhạc cung đình Huế như: Hồ sơ khoa học về bài bản Nhã nhạc “Tam Thiên”, “Phúc lục dịch”, “Cung ai”, “Ca Thài trong tế Nam Giao”... Ngoài ra, tại cố đô Huế có 8 nhóm/hiện vật với 32 cổ vật được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho biết, công tác bảo tồn di tích ở cố đô Huế nói riêng và cả nước nói chung là một lĩnh vực khoa học còn rất mới, đồng thời đây cũng là một công việc vô cùng phức tạp quan hệ đa ngành nên để thực hiện tốt các hoạt động bảo tồn, trung tu di tích đòi hỏi phải có cơ chế và quy định ưu tiên đặc biệt dành riêng cho di sản văn hóa thế giới và di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Việc khảo sát, đánh giá thực trạng và kết quả của công tác bảo tồn, tu bổ giá trị di tích Huế lần này của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai và thực hiện hiệu quả Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 7/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, với sự giám sát của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia không chỉ giúp cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Quốc gia mà còn là cơ hội tốt để tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá đúng thực trạng và quá trình thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của cố đô Huế. Thứ trưởng Thị Bích Liên đề nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải đánh giá những việc đã làm được và những khó khăn, vướng mắc trong tổng thể Đề án đã được phê duyệt để đề xuất Chính phủ về cơ chế, chính sách trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản; đồng thời Tỉnh cần có nhận thức cụ thể hơn về di sản văn hóa đối với phát triển du lịch - dịch vụ.

Kết luận tại buổi làm việc, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện khá thành công công tác bảo tồn, tu bổ di tích cố đô Huế theo Đề án đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực cho công tác bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế. Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng rất hiệu quả và thực hiện thành công nhiều dự án trung tu, tu bổ lớn.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, do tác động của môi trường và hậu quả chiến tranh, công tác giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa Huế sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế đạt hiệu quả, từng bước hoàn thành các nội dung trong Đề án “Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020”, nhất là bảo tồn và trùng tu theo hướng chuẩn mực, đảm bảo tính xác thực của di tích cũng như môi trường cảnh quan xung quanh quần thể di tích, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu đề nghị  tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải cân nhắc nguồn huy động xã hội hóa, vì việc bảo tồn di sản nói chung yêu cầu tính chuyên môn, tri thức rất cao, nếu không am hiểu về mặt kiến trúc cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp và kỹ năng thực hành thì sẽ gặp nhiều khó khăn./.

Phạm Hướng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực