Thắp sáng ngọn lửa đam mê giảng dạy lý luận chính trị

Thứ tư, 28/11/2018 16:27
(ĐCSVN) - Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018 đã thành công tốt đẹp. Những kết quả tích cực của Hội thi góp phần thắp sáng thêm ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề cho các giảng viên lý luận chính trị.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
tặng hoa cho Ban Giám khảo của Hội thi.

Chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất trong bài giảng

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018 là sau phần thi thao giảng và trả lời câu hỏi của thí sinh tham dự, các thành viên hội đồng giám khảo nhận xét, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm phần thi của thí sinh về nội dung trình bày, cách thức, phương pháp lên lớp. Những nhận xét của các thầy cô trong ban giám khảo, góp ý của các giảng viên dự thi, những chia sẻ của học viên, người tham gia cổ động thi sẽ góp phần giúp cho mỗi thí sinh hoàn thiện hơn trong nội dung và phương pháp giảng dạy.

Giảng viên Phan Thị Mỹ Hạnh (tỉnh Đồng Nai) rất tự hào khi là một trong các giảng viên tham dự Hội thi chung khảo giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018. Giảng viên chọn giảng nội dung Đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, dành cho đối tượng là đảng viên mới (khối các cơ quan huyện, các đoàn thể hội ở cơ sở)

Mục đích, yêu cầu của bài giảng là giúp học viên đối tượng đảng viên mới nắm vững các nội dung: Quan điểm phát triển, các đột phá chiến lược, định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu, các chỉ tiêu và phương hướng, nhiệm vụ của đường lối phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 -2020. Từ nhận thức đó, học viên sẽ hiểu rõ hơn và phấn đấu góp phần thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

“Ở Hội thi, tôi đã được Ban giám khảo góp ý như hoàn thiện nội dung bài giảng của mình cập nhật hơn. Bên cạnh các nhận xét về nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy, Ban giám khảo cũng góp ý cho tôi và các thí sinh khác khắc phục những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu không để ý, sẽ làm giảm đi hiệu quả của bài giảng. Ví dụ như, chọn tông màu trong phần trình chiếu power point, sử dụng cường độ âm thanh, ngữ điệu, nhả chữ thế nào để người học có thể bị lôi cuốn, thích thú và muốn học…” – thí sinh Phan Thị Mỹ Hạnh chia sẻ. 

Rất nhiều các phương pháp giảng dạy mới được áp dụng tại Hội thi

Là một trong những thí sinh trẻ nhất của Hội thi, thí sinh Nguyễn Thị Thùy Dương (Giảng viên kiêm chức, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tham dự Hội thi từ cấp cơ sở, thành phố, khu vực và chung khảo toàn quốc, tôi đã học tập được phong cách giảng dạy chững chạc hơn. Ở Hội thi cấp khu vực, giữa các nội dung của bài giảng, tôi chưa có sự kết nối nội dung chuyển ý. Các clip lồng ghép trong bài giảng hơi dài. Nhờ ý kiến chỉ bảo của Ban Giám khảo, tôi đã tự tin hơn rất nhiều với bài giảng của mình. Kinh nghiệm bổ ích nhất mà tôi học được là làm thế nào để bài giảng thu hút học viên, đưa học viên với bài giảng lại gần nhau hơn.

Đến với Hội thi chung khảo, tôi lựa chọn giảng bài số 10 trong chương trình bồi dưỡng cho đảng viên mới “Phấn đấu rèn luyện để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản”. Tôi mong muốn sẽ truyền đạt tình cảm của mình vào trong bài giảng, làm thế nào để góp phần thúc đẩy các bạn đoàn viên thanh niên tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng; làm thế nào để các bạn gắn bó mật thiết với dân; trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân hơn”.

Thí sinh Trần Hồng Đăng bốc thăm trả lời câu hỏi sau phần thao giảng.

Theo thí sinh Trần Hồng Đăng (Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh), mỗi lần tham dự Hội thi là một lần giảng viên được sát hạch, đòi hỏi người giảng viên phải tự nghiên cứu, nâng cao trình độ giảng dạy lý luận chính trị để bài giảng được thu hút, hấp dẫn hơn.

Những trăn trở từ cấp cơ sở

Bên cạnh sự vinh dự, tự hào khi được tham dự Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018, mỗi thí sinh đều có những băn khoăn, trăn trở, làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học lý luận chính trị ở cấp cơ sở.

Mỗi giảng viên lý luận chính trị không chỉ giảng dạy một chuyên ngành được đào tạo của mình, mà còn phải chuẩn bị và thao giảng các chuyên ngành khác. Đây cũng là một trong những bất cập của việc giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở.

Bên cạnh đó, về chế độ, chính sách, các giảng viên ở trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mong muốn được hưởng chế độ phụ cấp như các đồng chí chuyên viên ở các ban xây dựng Đảng. Đó cũng là một trong những nguồn động lực để các giảng viên  phấn đấu, gắn bó với nghề hơn nữa.

Thí sinh Phạm Thị Minh Chính (tỉnh Ninh Bình) trả lời câu hỏi của giám khảo

Theo thí sinh Phạm Thị Minh Chính (tỉnh Ninh Bình), điểm yếu của giảng viên lý luận chính trị ở cấp cơ sở chủ yếu là thuyết trình, ít sử dụng phương pháp sư phạm, ít tương tác, đối thoại với học viên. Bên cạnh đó, các giảng viên ở cấp cơ sở rất hạn chế về thông tin. Những thông tin khai thác trên mạng Internet hiện nay đôi khi không chuẩn, không chính xác.

“Tôi mong muốn rằng Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục biên soạn, cung cấp nhiều tài liệu để các giảng viên lý luận chính trị có thể tham khảo, cập nhật vào bài giảng của mình. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giảng viên ở cơ sở để nâng cao trình độ” – Thí sinh Bình Thị Hoa (tỉnh Sơn La) chia sẻ.

Lan tỏa kết quả tích cực của Hội thi

Từ những bài soạn giáo án, các tiết học thao giảng, mỗi thí sinh tham dự Hội thi đều thống nhất, để trở thành một giảng viên lý luận chính trị giỏi thì người giảng viên phải có trình độ, năng lực, vốn kiến thức phong phú và phương pháp sư phạm. Khi đã trở thành giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, đòi hỏi sự tiên phong, gương mẫu của người giảng viên.

Bên cạnh năng lực, mỗi giảng viên lý luận chính trị phải luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị. Đây là tiền đề để các giảng viên có thể truyền đạt những nội dung lý luận chính trị cho học viên, góp phần giúp học viên thay đổi nhận thức, tư tưởng trong quá trình học.

Đồng chí Lê Xuân Giang - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, thông thường, mọi người đều nghĩ việc học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa khô, vừa khó. Nhưng trên thực tế, việc học tập này trang bị cho bản thân mỗi người những kiến thức để xem xét, đánh giá, nhìn nhận vấn đề mạch lạc, hướng dẫn sự tự nhận thức chuyển sang hành động rất hữu ích.

Theo Đồng chí Lê Thị Hồng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Hội thi rất bổ ích đối với các giảng viên lý luận chính trị chuyên trách và kiêm chức cấp cơ sở. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. “Để khắc phục tình trạng giảng dạy lý luận chính trị “vừa khó, vừa khô”, giảng viên lý luận chính trị phải nhuần nhuyễn kiến thức của mình, gắn bài giảng với thực tiễn đời sống của địa phương, đơn vị. Luôn phải có cách tiếp cận mới, góc nhìn mới trong bài giảng của mình và áp dụng công nghệ thông tin để bài giảng phong phú và hấp dẫn hơn”. Đồng chí mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất, tham mưu nên có quy định mới thay cho Quyết định 185 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để sát hợp với tình hình hiện nay. 

Có thể khẳng định, kết quả của Hội thi lần này đã giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện hơn nữa về nội dung, phương pháp giảng dạy ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong toàn quốc; góp phần triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo lý luận chính trị, nhất là Chỉ thị số 23 ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi  mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”./.

Thu Hằng - Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực